Ông Nguyễn Minh Quang (SN 1955, ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) vừa viết đơn kêu cứu về việc bị UBND xã làm việc sai nguyên tắc, chiếm giữ số tiền gần 200 triệu đồng. Vụ việc đã được TAND huyện Vĩnh Cửu xử ông Quang thắng kiện nhưng 3 năm nay, UBND xã Phú Lý không thi hành án (THA).
Theo hồ sơ, năm 2009, khi làm thủ tục chuyển nhượng 2,5 ha đất cho người khác, ông Nguyễn Minh Quang đến UBND xã Phú Lý để chứng thực hợp đồng thì bị cán bộ tư pháp và chủ tịch từ chối với lý do… vợ ông (bị bệnh tâm thần) còn nợ 2 người phụ nữ 160 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã chỉ đạo cán bộ tư pháp buộc ông Quang phải nộp số tiền nợ trên thì mới được chứng thực hợp đồng.
Do sợ chậm trễ, phải bồi thường tiền cọc cho người mua đất nên ông Quang đã đem 160 triệu đồng nộp cho cán bộ tư pháp nhưng không được lập biên bản mà chỉ có một giấy biên nhận. Sau khi nhận tiền và chứng thực hợp đồng mua bán, cán bộ tư pháp xã mời 2 “chủ nợ” đến và thay mặt vợ ông Quang trả cho họ.
Thấy việc giải quyết của cán bộ tư pháp không đúng, ông Quang tìm chủ tịch UBND xã Phú Lý để khiếu nại. Chủ tịch UBND xã yêu cầu mời các bên lên hòa giải nhưng do vợ ông Quang bị bệnh nặng nên cuộc hòa giải bất thành.
Thế nhưng, nhiều ngày sau, cán bộ tư pháp xã Phú Lý đưa cho ông Quang một biên bản, trong đó có chữ ký của vợ ông. Điều đáng nói là biên bản đã bị sửa chữa, viết thêm vào (đã được cơ quan chức năng giám định) với nội dung: Vợ ông Quang chấp nhận đưa số tiền… cho 2 người phụ nữ (được cho là chủ nợ) giữ giùm.
Bức xúc với cách giải quyết như trên, ông Quang đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Vụ việc sau đó được TAND huyện Vĩnh Cửu đưa ra xét xử trong một vụ án dân sự về kiện đòi tài sản.
Năm 2012, trong các phiên xét xử, TAND huyện Vĩnh Cửu nhận định việc làm của các cán bộ xã Phú Lý là sai nguyên tắc. Giải quyết thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất nhưng lấy lý do là đang có đơn khiếu nại về nợ nần để không ký vào hợp đồng chuyển nhượng là không đúng. Theo quy định, khi đã được cấp giấy chứng nhận thì người dân có quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng. Việc “xiết nợ” giùm cho người khác là sai.
Tuy nhiên, tòa xác định trong việc làm này, các cán bộ xã không có mục đích vụ lợi, chỉ vì không nắm vững nghiệp vụ nên dẫn đến sai sót. TAND huyện Vĩnh Cửu tuyên buộc UBND xã Phú Lý phải trả cho ông Quang 160 triệu đồng, cộng với hơn 36 triệu tiền lãi (theo mức lãi suất quy định).
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, ông Quang đã nhiều lần làm đơn yêu cầu THA, đồng thời khiếu nại khắp các ban, ngành trong tỉnh mong đòi lại số tiền trên nhưng lực bất tòng tâm. Chi cục THA huyện Vĩnh Cửu cũng đã nhiều lần gửi quyết định buộc UBND xã Phú Lý phải chấp hành pháp luật. Thế nhưng, UBND xã Phủ Lý một mực viện lý do “địa phương nghèo, không có tiền” và thoái thác nghĩa vụ THA đối với người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Viết Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phú Lý, thẳng thừng: “Chúng tôi không trả vì xã chẳng có ngân quỹ gì. Nếu chúng tôi đòi được tiền mà một số người còn nợ UBND xã thì mới có thể THA ở vụ việc này được. Trường hợp rắc rối quá thì chúng tôi phải xin ý kiến của UBND huyện để giải quyết”.
Sai thì phải sửa
Luật sư Nguyễn Xuân Trường (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, người bảo vệ quyền lợi cho ông Quang) cho rằng việc không chấp hành án của UBND xã Phú Lý gây mất lòng tin đối với người dân. Không chỉ làm sai trong công việc hành chính, hòa giải dân sự, UBND xã này còn cố tình chây ì, coi thường quy định của pháp luật, làm mất thể diện của một cơ quan nhà nước.
“Xã nghèo nhưng phải có biện pháp để thể hiện sự nghiêm minh, làm sai thì phải sửa. Riêng ông Quang, trong nhiều năm trời đi thưa kiện, đến nay đã qua các đời lãnh đạo xã, gia đình thì vợ ốm con đau, kinh tế lụn bại. Theo quy định, phía đơn vị THA phải giải quyết bằng cách cưỡng chế THA” - luật sư Trường nói.
Bình luận (0)