Đã hơn 8 tháng trôi qua, kể từ khi phát hiện Công ty TNHH MTV Yến Sào Trần Diễm (gọi tắt là Công ty Trần Diễm) san lấp trái phép hàng loạt khu đất tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Công an huyện vẫn phải chờ ý kiến của ngành chức năng để có hướng xử lý.
Bên khinh, bên trọng
Việc khai thác đất trái phép bị nghiêm cấm ở Bạc Liêu. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, kèm theo hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ phương tiện vi phạm. Cụ thể là trong khoảng một năm qua, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký ít nhất 7 quyết định xử phạt hành chính, kèm theo hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ phương tiện vi phạm với giá trị lên đến hàng tỉ đồng. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những vụ khai thác đất bị xử phạt nặng chủ yếu là các trường hợp nhỏ lẻ. Riêng doanh nghiệp (DN) được cấp phép nạo vét thông luồng các cửa sông thì "vô tư" chở đất đi bán cho người dân, cho các công trình dân dụng để trục lợi.
Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 16-8-2021, Công an huyện Đông Hải phát hiện Công ty Trần Diễm lấy đất bùn san lấp mặt bằng các thửa đất: 2, 3, 4, 61, 89, tờ bản đồ số 17 và thửa đất dự án khu nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ (cùng có địa chỉ tại ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Trong khi theo giấy phép do UBND tỉnh Bạc Liêu cấp cho Công ty Trần Diễm thì công ty này chỉ được nạo vét thông luồng các tuyến kênh Đê Trường Sơn (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) và tuyến kênh Huyện Kệ (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Đất bùn lấy từ 2 tuyến kênh này, công ty chỉ được phép tập kết tại 3 địa điểm, gồm: Thửa số 95, tờ bản đồ số 11 ở khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu; thửa số 215 tại ấp Gò Cát, xã Điền Hải, huyện Đông Hải và thửa số 154, tờ bản đồ số 12 tại ấp 1, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.
Mặc dù tại thời điểm phát hiện vi phạm, Công ty Trần Diễm không đưa ra được giấy phép được tập kết đất ở các thửa nói trên nhưng Công an huyện Đông Hải chưa thể xử lý vì đại diện của công ty cho rằng... đang chờ UBND tỉnh cấp phép bổ sung (!?). Trước tình huống này, Công an huyện Đông Hải cử cán bộ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu xác minh việc có cấp phép bổ sung cho DN khai thác và tập kết đất tại 6 thửa đất ở thị trấn Gành Hào hay không. Tuy nhiên, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu không đồng ý cung cấp thông tin cho cán bộ điều tra mà yêu cầu phải có văn bản mới trả lời.
Gần 4 tháng sau (1-12-2021), thượng tá Hoàng Ngọc Đạo - Phó Trưởng Công an huyện Đông Hải - mới có văn bản gửi UBND huyện Đông Hải, đề nghị hỗ trợ xác minh phục vụ công tác xử lý vụ việc này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vụ việc vẫn rơi vào im lặng.
Công ty Trần Diễm bị bắt quả tang san lấp đất trái phép tại dự án khu nhà ở kết hợp thương mại ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải nhưng hơn 8 tháng qua chưa bị xử lý
Xe ben vào bãi tập kết đất của Công ty Trần Diễm chở ra ngoài bán (ảnh cắt từ clip)
Vẫn công khai trục lợi
Ngày 24-4, phóng viên liên lạc với ông Đạo để tìm hiểu thông tin xử lý vụ vi phạm của Công ty Trần Diễm, ông Đạo cho biết đang chờ Phòng NN-PTNT huyện phản hồi về thông tin ngành chức năng có cấp phép bổ sung cho DN hay không.
Cùng ngày, chúng tôi liên hệ với ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải - để nắm thông tin thì ông Tuấn cho biết: "Từ lúc nhận được yêu cầu hỗ trợ của Công an huyện Đông Hải, chúng tôi đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT hỏi có cấp phép bổ sung cho Công ty Trần Diễm hay không. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy phản hồi".
Phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu chỉ để nắm thông tin về việc cấp phép bổ sung cho Công ty Trần Diễm tập kết đất bùn tại thị trấn Gành Hào. Song, cũng không nhận được câu trả lời dứt khoát. Sau nhiều lần hẹn, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu - yêu cầu phóng viên trao đổi qua tin nhắn. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc có cấp phép bổ sung như trên hay chưa thì ông Ly chỉ trả lời: "Để kiểm tra cụ thể!" và cảm ơn phóng viên đã cung cấp thông tin!?
Theo hồ sơ chúng tôi có được, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện tại chỉ có 2 đơn vị được cấp phép nạo vét thông luồng các cửa sông. Đó là Công ty TNHH MTV Thiên Ân Đông Hải (ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải - liên danh với Công ty CP Phát triển Duyên Hải ở Trà Vinh) và Công ty Trần Diễm (ở TP Bạc Liêu).
Theo giấy phép hoạt động, các công ty này được lấy đất bùn tại công trình nạo vét thông luồng vận chuyển về bãi tập kết đã đăng ký trong giấy phép. Song, không được tùy tiện lấy đất tại bãi tập kết đem bán ra bên ngoài. Thế nhưng, từ phản ánh của người dân, chúng tôi tiếp tục mục kích, phát hiện quả tang nhiều xe ben vào bãi tập kết đất của Công ty Trần Diễm tại khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, ngang nhiên lấy đất chở vào nội ô TP Bạc Liêu để san lấp mặt bằng cho người dân vào những ngày giữa tháng 4.
Vừa bị bắt đã bị gợi ý đưa hối lộ
Một trong những trường hợp bị xử phạt nặng khi lấy đất từ nguồn cải tạo vườn tạp của người dân chở ra ngoài là ông Trà Văn Ghi (SN 1979, ngụ ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu).
Ông Ghi bị Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Bạc Liêu lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Theo đó, ngoài bị phạt hành chính 45 triệu đồng, ông Ghi còn bị tịch thu nhiều phương tiện có tổng giá trị hàng tỉ đồng. Sau 2 ngày ông Ghi bị lập biên bản, ngày 10-11-2021, thượng úy Lê Mai Quỳnh, công tác tại Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Bạc Liêu, gọi điện cho anh Phạm Quốc Toàn (cháu vợ của ông Ghi), gợi ý việc gặp lãnh đạo đưa tiền để khỏi bị tịch thu các phương tiện nói trên.
Trong file ghi âm cuộc gọi được xác định là giọng nói của thượng úy Lê Mai Quỳnh có đề cập đến việc trên với 1 người trong đó có nội dung: "… Rồi mày dẫn ông Ghi lên đó nói thẳng với chú luôn. Mà tuyệt đối không nói với ai hết nghe, có gì là gãy cổ á, anh em mình không còn ở đây nữa đâu. Mày biết giá trị tài sản rồi đó, khoảng 3 tỉ bạc. Mày cứ tính đi, cứ lên đi, mấy trăm gì đó…" .
Sau khi ông Ghi làm đơn tố cáo hành vi cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Bạc Liêu gợi ý chi tiền hối lộ, Thanh tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã xác minh, kết luận, chuyển đơn vị ông Quỳnh, tổ chức xử lý kỷ luật theo quy định của ngành.
Bình luận (0)