Ngày 23-5, phiên xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB) và đồng phạm bước sang ngày thứ 4. HĐXX tiếp tục làm rõ hành vi cố ý làm trái, xung quanh chủ trương của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền gửi vào các ngân hàng khác.
Không sai khi ủy thác gửi tiền (?)
Theo cáo trạng, ngày 22-3-2010, ACB có cuộc họp thường trực HĐQT. Sau đó, các thành viên thường trực HĐQT (Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải) thống nhất và cùng ký vào biên bản với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng”.
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 27-6-2011 đến 5-9-2011, Lý Xuân Hải chỉ đạo và ủy quyền cho Nguyễn Văn Hòa (kế toán trưởng ACB) thực hiện ủy thác hơn 718 tỉ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM. Toàn bộ số tiền nói trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM) chiếm đoạt. Cáo trạng cho rằng việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng là làm trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Tại tòa, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết sau khi họp HĐQT, ông Nguyễn Văn Hòa có nhiệm vụ tổ chức cho các nhân viên đi gửi tiền. Bản thân bị cáo Hải không trực tiếp chỉ đạo bất cứ vấn đề gì về thực hiện nghị quyết HĐQT đối với ông Hòa. Bị cáo Hải cho rằng việc gửi tiền không sai so với các quy định pháp luật vào thời điểm đó.
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, trong khi chủ trương của ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm được ban hành từ ngày 22-3-2010, thời điểm các nhân viên thực hiện gửi tiền từ tháng 6 đến tháng 9-2011, trước khi luật trên có hiệu lực.
Bị lừa vì “mang con bỏ chợ”
Huỳnh Thị Huyền Như khai số tiền ACB bị chiếm đoạt là ý thức chủ quan của Như, VietinBank không hề biết việc này. “Tôi chịu trách nhiệm về việc chiếm đoạt số tiền 718 tỉ đồng” - Như khẳng định. Theo Như, một trong những “kẽ hở” của ACB để Như lừa đảo là nhân viên ngân hàng này “mang con bỏ chợ”, không trực tiếp đến VietinBank thực hiện mở tài khoản thẻ, sau khi gửi tiền cũng không ai kiểm tra tài khoản, các giao dịch tài khoản.
Đại diện VietinBank Chi nhánh TP HCM cũng nói Như mượn danh nghĩa VietinBank để chiếm đoạt tiền nên Như phải chịu trách nhiệm. Đối với 32 hợp đồng gửi tiền có dấu của VietinBank Chi nhánh TP HCM, đại diện ngân hàng này cho rằng hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và của VietinBank. Tại thời điểm ký hợp đồng chưa phát sinh, chưa có dấu hiệu gian dối. Đại diện VietinBank khẳng định không chịu trách nhiệm về số tiền 718 tỉ đồng mà ACB bị mất.
Trả lời HĐXX, bị cáo Kiên nói việc ủy thác không sai vì Luật Các tổ chức tín dụng chưa có hiệu lực vào thời điểm ACB thực hiện. Về khoản tiền 718 tỉ đồng, bị cáo Kiên cho rằng các nhân viên ACB không giao dịch với cá nhân Huyền Như mà là với quyền trưởng phòng giao dịch VietinBank Chi nhánh TP HCM. Các hành vi này là hành vi thực hiện giữa các nhân viên của ACB với một tổ chức có thẩm quyền là Chi nhánh VietinBank. Do đó, hợp đồng giữa các nhân viên ký với VietinBank thì VietinBank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Tự nhận mình là người có rất nhiều kinh nghiệm trong hệ thống ngân hàng trong nhiều năm, bị cáo Kiên nói: “VietinBank là ngân hàng lớn, được quản lý chặt chẽ bởi công nghệ thông tin, mọi giao dịch đều được thể hiện trên “sổ cái” của VietinBank. Nếu các nhân viên VietinBank nói là không biết, đề nghị Bộ Công an, cơ quan CSĐT lấy lại ở bộ phận mã của VietinBank tại thời điểm ngân hàng này mở tiền, mở tài khoản, các giao dịch chuyển đổi thế nào, lệnh ra sao đều được thể hiện ở bộ phần mềm. Tôi tin rằng không ai ở VietinBank có thể xóa được phần mềm này. Tôi xin phép có ý kiến rõ ràng là tất cả các giao dịch này đều được quản lý, VietinBank biết và phải chịu trách nhiệm”.
Hôm nay (24-5), tòa tiếp tục làm việc.
Đổ tội cho nhau
Theo cáo trạng, ngày 2-11-2009, thường trực HĐQT ACB thống nhất và ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho Hội đồng Đầu tư ACB mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, do thực hiện trái các quy định về tài chính của nhà nước nên gây thiệt hại cho ACB tổng số tiền hơn 687 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người chỉ đạo việc mua cổ phiếu. Phản bác lại, bị cáo Kiên nói với tư cách là chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB, bị cáo chỉ báo cáo về tình hình cổ phiếu của ACB chứ không bàn về việc mua cổ phiếu. Bị cáo Kiên khai rằng chỉ biết khi Hải thông báo, đồng thời khẳng định các chỉ đạo này đều phải bằng văn bản nên lời khai của Hải là không đúng.
Bình luận (0)