Thông tin nêu trên bắt nguồn từ một số trang mạng xã hội, sau đó nhanh chóng lan truyền ra ngoài.
“Bỏ bùa mê” lấy tài sản!
Theo đó, tài khoản Facebook có tên N. đăng tải những tấm hình chụp một nhóm phụ nữ ngồi trong quán nước nắm tay một người đàn ông. N. cho biết vào một buổi trưa, khi đang đi giao hàng, N. thấy nhóm 6 người, hễ ai đi ngang thì vẫy tay mời gọi. N. quyết định bám theo xem sao.
Một lúc sau, N. phát hiện 3 người trong nhóm phụ nữ nêu trên nắm tay một người đàn ông ngồi trong quán nước ven đường. Được một lát, người đàn ông này “đưa hết toàn bộ tiền cho họ”.
Tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, người dân cũng xôn xao bàn tán về một nhóm phụ nữ lạ mặt với trò tẩm thuốc mê vào bàn tay để dụ dỗ nhiều người lấy hết tài sản. Chúng tôi đã liên hệ với V.K.L - 23 tuổi, người lan truyền thông tin này. L. khẳng định gần nhà có người mất tới 2 lượng vàng và 30 triệu đồng vì bị nhóm phụ nữ nêu trên lừa gạt.
“Trước đó, tôi thấy mấy người này cứ quanh quẩn trước xóm. Lúc tôi đi mua đồ ở chợ, họ chạy tới nắm chặt tay nhưng tôi vùng vẫy không chịu. Mấy anh đừng nên tiếp xúc với họ bởi họ dùng bùa làm mình bệnh tật hoặc tâm thần” (?!) - L. khuyên chúng tôi.
Ở TP HCM, một số gia đình sống gần ngã tư Giếng nước (huyện Hóc Môn) cũng hoang mang trước thông tin như trên. “Nghe chuyện này, tôi lo quá, mỗi ngày phải đưa rước con từ nhà đến trường. Để không bị dính bùa mê, lúc nào tôi cũng bỏ trong người một tép tỏi…” - chị Nguyễn Thị Kiều (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết.
Chỉ bán thuốc, xem bói
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân sống ở các xã lân cận và TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hay TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa... xác nhận nhóm phụ nữ được cho là bỏ bùa mê thực ra là người Chăm ở Ninh Thuận. Họ di chuyển khắp nơi để xem bói qua chỉ tay, đồng thời bán một số thuốc nam, đông y.
“Những phụ nữ này mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số, chủ yếu bán thứ thuốc trị đau lưng, nhức mỏi kèm thêm xem bói qua chỉ tay. Tôi từng để họ xem chỉ tay, xong họ chỉ lấy 10.000 đồng tiền công. Không có chuyện lừa gạt gì hết! Còn thuốc của họ có hiệu quả hay không thì tôi không biết được” - ông Nguyễn Tư (ngụ TP Đà Lạt) khẳng định.
Về thông tin nêu trên, anh Nguyễn Việt Sin, một “hiệp sĩ” ở TP HCM, cho biết đã cùng một đồng đội liên hệ xác minh từ nhiều nguồn ở các địa phương và nhận thấy đó chỉ là chuyện phao tin đồn nhảm. Đại diện Công an huyện Hóc Môn cũng cho biết chưa hề nhận được thông tin trình báo từ người dân liên quan đến việc bị lừa đảo như tin đồn đã nêu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Nguyễn Tấn Vũ, Trưởng Công an TP Đà Lạt, khẳng định: “Ngay sau khi có thông tin phản ánh, Công an TP Đà Lạt đã họp bàn và có văn bản chỉ đạo đến các công an phường, xã tiến hành điều tra, làm rõ thông tin. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa phát hiện hay có ai đến trình báo là nạn nhân của nhóm người này”.
Theo thượng tá Vũ, xác minh ban đầu từ cơ quan điều tra cho thấy nhóm phụ nữ này là người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, đi bán dạo thuốc nam, rễ cây đinh lăng với giá khoảng 30.000 đồng/thang. Ngoài việc bán thuốc, họ còn mời người mua xem chỉ tay, bói tướng số. “Do những loại thuốc này không rõ nguồn gốc nên người dân cần thận trọng. Đặc biệt, không nên chia sẻ những thông tin trên cộng đồng mạng, tạo dư luận xấu, gây hoang mang cho xã hội” - ông Vũ khuyến cáo.
Có thể bị xử lý hình sự
Mới đây, Ngô Bá Sơn (SN 1984) và Vũ Văn Bằng (SN 1989) đã bị Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội bắt tạm giam để xử lý về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”.
Sơn và Bằng đã dùng tài khoản Facebook của người khác đưa tin thất thiệt về một nữ sinh viên Hà Nội bị hiếp dâm, chết lõa thể sau ký túc xá của trường, gây hoang mang dư luận.
H.Hiếu
Bình luận (0)