Liên quan đến vụ “Bị truy nã vẫn thành đại gia?” (Báo Người Lao Động ngày 8-11-2012 đã phản ánh), ngày 11-4, ông Lê Ngọc Minh - Chánh án TAND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - cho biết cơ quan này vừa ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Đình Vĩnh Tường (SN 1975, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM).
Các bên đều không đồng ý
Quyết định nêu rõ lý do đình chỉ vụ án là do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước đó, ông Tường bị VKSND huyện Sông Hinh truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1, điều 138, BLHS. “VKSND có cáo trạng nhưng trong thời gian chuẩn bị xét xử, tòa xem xét thấy hết thời hiệu nên ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu các cơ quan tố tụng không đồng ý thì kháng nghị” - ông Minh nói.
Tuy nhiên, ông Tường cho rằng đã bị bắt nhầm. “Quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã năm 2000 của Công an huyện Sông Hinh đều ghi tên đối tượng là Nguyễn Vĩnh Tường, hộ khẩu thường trú ở xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong khi đó, từ giấy khai sinh đến chứng minh nhân dân của tôi từ trước đến nay tên là Nguyễn Đình Vĩnh Tường, thời điểm năm 2000, hộ khẩu thường trú ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sao khởi tố, truy nã một nơi mà bắt giam người một ngả như thế?” - ông Tường bức xúc, đồng thời cho biết sẽ kháng án quyết định đình chỉ vụ án của TAND huyện Sông Hinh. “Tôi có tội gì đâu mà bắt giam, truy tố rồi giờ bảo là hết thời hiệu truy cứu nên đình chỉ vụ án?” - ông Tường nói.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Viện trưởng VKSND huyện Sông Hinh, lại cho rằng cơ quan này vẫn giữ quan điểm ông Tường có tội. “Chẳng qua là tòa quyết định, chứ VKSND và công an vẫn giữ nguyên quan điểm” - ông Huy nói. Ông Huy khẳng định ông Tường bỏ trốn có lệnh truy nã nên không thể hết thời hiệu. Ngoài ra, ông Tường bị bắt theo lệnh truy nã nên việc tạm giam hơn 10 tháng là không vi phạm và chẳng phải bồi thường. Đề cập việc bắt người không đúng tên như quyết định khởi tố bị can, lệnh truy nã, ông Huy nói: “Không đúng tên nhưng đúng con người đó. Chẳng qua xác minh có sai sót tên tuổi thôi”. Ông Huy cũng cho rằng VKSND huyện Sông Hinh có quyền kháng nghị quyết định đình chỉ vụ án của TAND huyện.
Thượng tá Huỳnh Văn Tào, Phó Công an huyện Sông Hinh, cũng khẳng định: “Quyết định đình chỉ là quyền của tòa án, còn VKSND và CQĐT sẽ tính sau”.
Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng
Theo cáo trạng của VKSND huyện Sông Hinh, từ tháng 6 đến tháng 8-2000, ông Tường và 3 người khác tổ chức trộm 3 xe máy ở huyện Sông Hinh. Sau khi Công an huyện Sông Hinh ra quyết định khởi tố bị can ngày 7-11-2000, ông Tường bỏ trốn. Ngày 7-12-2000, công an ra lệnh truy nã ông Tường trên toàn quốc. Đến ngày 20-6-2012, ông Tường bị bắt khi đã trở thành giám đốc Công ty TNHH Giai Điệu, quản lý 2 nhà hàng ở TP HCM và góp vốn mở một salon ô tô. Ngày 7-11-2012, TAND huyện Sông Hinh mở phiên tòa xét xử ông Tường về tội “Trộm cắp tài sản”.
Tại phiên tòa này, hồ sơ vụ án có dấu hiệu vi phạm Luật Tố tụng Hình sự khi chỉ có quyết định khởi tố bị can của cơ quan công an mà không có quyết định phê chuẩn của VKSND. Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa cũng không đưa ra được những chứng cứ hợp lý về cái tên Nguyễn Vĩnh Tường như quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã đã nêu. Mặt khác, theo quy định, lệnh truy nã phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng HĐXX không thể trưng cầu lệnh truy nã được đăng tải khi luật sư yêu cầu. TAND huyện Sông Hinh đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đến ngày 4-4 thì ra quyết định đình chỉ vụ án.
Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, vụ án trộm cắp tài sản mà ông Tường là nghi can xảy ra từ năm 2000. Nếu truy tố theo khoản 1, điều 138 BLHS như cáo trạng của VKSND huyện Sông Hinh thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ 5 năm, tức đến cuối năm 2005. “Thế nhưng mãi đến năm 2012, CQĐT huyện Sông Hinh mới bắt giam ông Tường hơn 10 tháng rồi ra cáo trạng truy tố khi đã hết thời hiệu từ lâu là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS” - luật sư Thành nói.
Ông Tường cho rằng không hề biết bản thân bị truy nã và vẫn giữ tên khai sinh khi chuyển vào TP HCM, cũng như đổi CMND năm 2010. Cũng vì không biết bị truy nã nên ông Tường vẫn thường về quê mà chẳng có ai hỏi đến.
Sẽ yêu cầu bồi thường
Ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường cho biết sau khi kháng án sẽ làm đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện Sông Hinh bồi thường oan sai. “Tôi không có tội, họ đã bắt nhầm và giam tôi đến hơn 10 tháng rồi đưa ra truy tố, xét xử làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi. Những ngày qua, dù được tại ngoại nhưng tôi vẫn phải sống trong thân phận một bị can, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Tôi chẳng thể đi đâu xa để giao dịch. Các ngân hàng cũng chẳng dám cho tôi vay nữa” - ông Tường bức xúc.
Bình luận (0)