Hòn đá ở trong một vườn cà phê cạnh đường đi và nằm dưới độ sâu khoảng 3 m, 3 máy múc cùng hàng chục người phải thay nhau đào bới suốt nhiều ngày. Khi chúng tôi có mặt, khoảng 10 người cùng 3 chiếc máy múc đang cố gắng đưa hòn đá lên một bàn kéo để đưa ra ngoài.
Biết nhóm người này đang khai thác trái phép đá bán quý, phóng viên gọi điện báo cho ông Phạm Đức Châu - Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn. Khoảng 1 giờ sau, lực lượng của xã mới có mặt.
Trung tá Phạm Văn Bích, Trưởng Công an xã Đắk Gằn, cho biết: “Sau khi nhận được tin báo của phóng viên, chúng tôi cho lực lượng xuống lập biên bản tạm giữ, đồng thời bảo vệ hòn đá. Công an xã đã thông báo vụ việc cho Công an huyện Đắk Mil và đang chờ ý kiến chỉ đạo”.
Do hòn đá rất lớn nên nhóm người này loay hoay cả buổi chiều vẫn không thể đưa lên bàn kéo, việc vận chuyển hết sức khó khăn. Khi đưa được đá lên đường phải dùng máy cày kéo qua một đoạn đường gập ghềnh rồi mới lên được xe đầu kéo để đưa đi tiêu thụ. Khó khăn là vậy, lại có lực lượng bảo vệ nhưng không hiểu sao hòn đá này vẫn di chuyển ra đến Quốc lộ 14, cách vị trí ban đầu 5 km mới bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ.
Đại tá Bùi Văn Khương, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết vào khoảng 21 giờ ngày 11-2, lực lượng công an phát hiện xe đầu kéo do tài xế Hoàng Văn Nghĩa (ngụ TP Buôn Ma Thuột) điều khiển đang vận chuyển một hòn đá lớn. Do tài xế không xuất trình được giấy tờ và đây là đá bán quý canxedon, trên địa bàn chưa được cấp phép khai thác nên chúng tôi tạm giữ để điều tra. Hòn đá dài 4 m; rộng 3,5 m; cao 1,3 m, nặng khoảng 27 tấn.
Bước đầu, cơ quan công an xác định vị trí khai thác hòn đá là trong vườn cà phê của ông Nguyễn Chí Thanh (ngụ xã Đắk Gằn). Ông Thanh phối hợp với ông Trương Văn Hảo (ngụ cùng xã) khai thác rồi bán cho một người ở TP Buôn Ma Thuột.
“Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào từ công an xã, công an huyện" - đại tá Khương khẳng định.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa có đơn vị nào được cấp phép khai đá canxedon. Tại xã Đắk Gằn, đá canxedon phân bố khắp địa bàn nên tình trạng khai thác trái phép diễn ra rầm rộ từ năm 2005 đến nay nhưng chính quyền địa phương vẫn không có các biện pháp ngặn chặn hiệu quả.
Ông Phạm Đức Châu cho biết do dịp Tết diễn ra nhiều hoạt động nên khi người dân khai thác đá quý, chính quyền xã không thể nắm hết (!).
Phần lớn đem bán sang Trung Quốc
Canxedon là đá bán quý có nhiều màu sắc đẹp, thường được dùng để chế tác đồ trang sức, tạc tượng, đồ trang trí... Theo một người chuyên mua bán đá canxedon, phần lớn loại đá này được xuất lậu sang Trung Quốc hoặc bán cho người chơi đá cảnh. Thông thường, loại đá này có kích thước nhỏ, những hòn có trọng lượng 10 tấn trở lên là rất hiếm nên giá trị hàng tỉ đồng.
Bình luận (0)