Đề nghị “xử lý nghiêm khắc”
Các TS Trần Tiến Hùng (Phó Giám đốc Sở KH-CN Thừa Thiên-Huế), Đoàn Hữu Thanh (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KH-CN TP Hải Phòng) bị cáo giác nhờ 2 nghiên cứu sinh khác ở Viện KH-NN thi hộ đầu vào môn tiếng Anh. Tại CQĐT, 2 ông này đều khẳng định có trực tiếp dự kiểm tra môn tiếng Anh trong kỳ tuyển nghiên cứu sinh của Viện KH-NN năm 1997. Trên các bài kiểm tra này đều có chữ ký của 2 giám thị, trong đó có ông Nguyễn Huy Hoàng- hiện là Trưởng Phòng Đào tạo sau ĐH của Viện KH-NN. Tuy nhiên, theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an, 2 bài kiểm tra tiếng Anh của ông Đoàn Hữu Thanh là do ông Lê Quốc Thanh, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ của viện, làm. Hai bài kiểm tra của ông Hùng cũng không phải do ông này viết.
CQĐT cho rằng, để việc này xảy ra thuộc trách nhiệm của Viện KH-NN, trực tiếp là những cán bộ của Phòng Đào tạo sau ĐH và kết luận: “Đề nghị Bộ NN-PTNT kết hợp với Bộ GD-ĐT có hình thức xử lý nghiêm khắc”.
TS Trần Văn Tuân - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, bảo vệ luận án TS năm 2002, cũng bị cáo giác 7 môn thi có dấu hiệu tổ chức thi riêng hoặc đút bài thi vào sau. Viện KH-NN đã cung cấp cho CQĐT bản photocopy 7 bài thi 7 môn này cùng với biên bản chấm thi một số môn, riêng biên bản nộp bài thi các môn học chưa cung cấp được với lý do chưa tìm thấy. Các tài liệu nói trên đều không thể hiện cụ thể thời gian thi nên chưa có căn cứ để xác định cụ thể thời điểm thi, do đó chưa đủ căn cứ để kết luận nội dung này đối với ông Tuân. CQĐT nhận xét: “Công tác quản lý tài liệu tại Phòng Đào tạo sau ĐH không chặt chẽ, nhiều tài liệu liên quan đến các nghiên cứu sinh hiện bị thất lạc, công tác phân công trách nhiệm quản lý tài liệu có nhiều vi phạm...”.
Học ngành này, làm luận án ngành nọ
Trường hợp ông Lê Quốc Doanh (hiện là Phó Viện trưởng Viện KH-NN), tốt nghiệp thạc sĩ một ngành, làm luận án TS một ngành khác nhưng lại không phải học và thi 20 môn chuyên ngành trước khi bảo vệ luận án TS như quy định chung. “Lỗi” này được quy cho Bộ GD-ĐT. Quy chế đào tạo sau ĐH cũng như công văn số 9747/SĐH ngày 6-10-1997 của Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp cao học hệ thống nông nghiệp chuyển sang nghiên cứu sinh chuyên ngành trồng trọt phải học (trường hợp ông Doanh) bổ sung các môn còn thiếu trên cơ sở đối chiếu chương trình cao học chuyên ngành đã học với chương trình cao học chuyên ngành tương ứng ở cấp TS”. Tuy nhiên, sau khi CQĐT vào cuộc, Vụ ĐH và sau ĐH lại có văn bản do Vụ trưởng Trần Thị Hà ký, trả lời cụ thể về trường hợp ông Doanh rằng, ông này đã tốt nghiệp ĐH chuyên ngành thổ nhưỡng, là cơ sở của trồng trọt. Trong chương trình đào tạo, ông Doanh đã học các môn về trồng trọt, vì vậy cơ sở đào tạo TS- Viện KH-NN- không yêu cầu ông phải học thêm các môn ở phần 1 của chương trình đào tạo TS là thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo và không trái với quy chế.
Đặc biệt là trường hợp PGS-TS Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng Đào tạo sau ĐH- Viện KH-NN. Đối chiếu với những quy định chung thì việc ông Hoàng trở thành phó TS (nay là TS) và PGS có những điểm không bình thường. Ông Hoàng tốt nghiệp ĐH một ngành, làm luận án phó TS một ngành khác, theo quy chế của Bộ GD-ĐT, ông Hoàng phải học một số môn học bổ sung với số lượng khoảng 1.000 tiết. Nhưng ông Hoàng đã không học mà vẫn được bảo vệ luận án. Năm 2002, trong hồ sơ đăng ký phong chức danh PGS của mình, ông Hoàng tự khai đã chủ trì 4 đề tài cấp cơ sở và tham gia 2 đề tài. Tuy nhiên, cả 4 đề tài cấp cơ sở mà ông Hoàng khai chủ trì đều không có minh chứng. Qua xác minh, CQĐT cũng kết luận: “Theo nội dung văn bản của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước thì chưa đủ cơ sở kết luận ông Hoàng khai man đề tài cấp cơ sở để đăng ký xét chức danh PGS”.
CQĐT kết luận, những sai phạm đã nêu là có cơ sở, đúng thực tế nhưng đều đã được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền có văn bản xác định tính pháp lý nên chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Việc xem xét, xử lý giải quyết thuộc về thẩm quyền của Bộ NN- PTNN, Bộ GD-ĐT và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước. |
Bình luận (0)