Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh vừa thi hành án thành công một vụ cưỡng chế bàn giao nhà và quyền sử dụng đất cho người dân
Mâu thuẫn dai dẳng giữa hai nhà liền kề do một trong hai bên xây dựng nhà làm ảnh hưởng nhà bên kia, việc tranh chấp kéo dài về cấp dưỡng nuôi con giữa vợ chồng hay sự nghi ngờ giữa những người bạn khi góp vốn chung… Đó là những tranh chấp dân sự xảy ra thường xuyên trong xã hội và nay được “hóa giải” nhờ đội ngũ thừa phát lại (TPL) ra đời tại TPHCM.
Giải tỏa gút mắc
Gương mặt của hai đương sự sau khi rời Văn phòng TPL quận 8-TPHCM vui hơn hẳn khi họ vừa cùng một TPL lập vi bằng chứng nhận “bên A” đã giao cho “bên B” số tiền 10 tỉ đồng vào một ngày đầu tháng 10.
Trước khi đến Văn phòng TPL quận 8, hai bên đã thỏa thuận với nhau lập một hợp đồng thuê đất làm nhà xưởng có quy mô hơn 20 ha với giá thuê là 10 tỉ đồng trong vòng 20 năm. Song hai bên không yên tâm về việc giao và nhận tiền nên tìm đến Văn phòng TPL quận 8 để nhờ lập vi bằng chứng nhận hành vi giao nhận tiền.
Đây chỉ là một trong hàng trăm vi bằng mà Văn phòng TPL quận 8 lập trong gần 2 năm qua, kể từ khi văn phòng này đi vào hoạt động. Bà Vũ Thị Trường Hạnh, Trưởng Văn phòng TPL quận 8, cho biết các vi bằng được lập chủ yếu công nhận sự thỏa thuận giữa các bên là chính.
Nội dung thỏa thuận là giao nhận tiền, phân chia tài sản, thỏa thuận việc nuôi con, xây dựng công trình. “Nhiều thỏa thuận đơn giản nhưng vì hai bên không tin nhau nên không biết lấy ai làm chứng. Vì vậy, họ tìm đến văn phòng TPL để giúp ghi nhận lại những thỏa thuận hay hành vi mà hai bên cam kết thực hiện”- bà Hạnh nói.
Sau một tháng xây dựng, việc thi công căn nhà 2 tầng ở đường D2, quận Bình Thạnh đã làm nhà kế bên bị nứt tường và hư hỏng nhiều chỗ. Sau khi thỏa thuận, ông T. (chủ căn nhà đang xây) đồng ý trả 40 triệu đồng cho bà H. (chủ nhà kế bên) để sửa chữa, dặm vá.
Sau đó, việc xây nhà cứ thế tiếp diễn nhưng ông T. lại không thực hiện lời hứa dù bà H. thường xuyên nhắc nhở và nóng lòng khi thấy nhà mình ngày càng hư hỏng nặng. Định khởi kiện ra tòa thì bà H. được người quen mách nước nên đã tìm đến Văn phòng TPL quận Bình Thạnh để yêu cầu lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà đang bị hư hỏng.
Ngay khi vi bằng được lập, ông T. cũng đồng ý trả ngay 40 triệu đồng cho bà H. Vụ việc kết thúc trong êm thấm và hai bên cũng thở phào vì gút mắc đã được giải tỏa.
Hỗ trợ thi hành án hiệu quả
Cầm quyết định của TAND quận 5 công nhận mình được quyền nuôi 2 con sau ly hôn, ông Tony Trần (Việt kiều Úc) yên tâm ra về. Thế nhưng, sau đó bà Th., vợ ông, lại một mực không giao 2 con để ông nuôi dưỡng như đã thỏa thuận tại tòa và bà cũng liên tục thay đổi chỗ ở để đối phó.
Khi nhờ đến cơ quan thi hành án can thiệp, ông Tony Trần được yêu cầu phải xác định được chỗ ở của vợ và việc xác minh này phải thể hiện bằng văn bản thì cơ quan thi hành án mới thi hành bản án.
“Đối với tôi, yêu cầu này quá khó vì làm cách nào để xác nhận bằng văn bản và ai sẽ là người xác nhận cho tôi thông tin do tôi cung cấp cho tòa?”- ông Tony Trần ngán ngẩm và quyết định tìm đến Văn phòng TPL quận 5.
“Từ địa chỉ được khách hàng cung cấp, chúng tôi đã tìm được nơi ở của người vợ. Sau đó, TPL vừa thuyết phục cô ấy giao con cho cha của 2 đứa bé vừa nhờ công an khu vực xác minh cô ấy có cư ngụ ở địa chỉ này”- ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng TPL quận 5, kể lại câu chuyện và cho biết chỉ sau 5 ngày kể từ khi ông Tony Trần yêu cầu, bà Th. đã giao con cho ông mà chưa cần đến sự can thiệp của lực lượng thi hành án.
Có thể nói thi hành án là việc khó nhất đối với các văn phòng TPL nên số vụ thực hiện được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Đình Hưng, Trưởng Văn phòng TPL quận 1, kể lại một trong 3 vụ thi hành án do văn phòng này thực hiện và mất khá nhiều công sức vì liên quan đến người nước ngoài.
Tháng 8-2010, TAND quận 1 ra quyết định hòa giải thành giữa nguyên đơn và bị đơn là hai người Nhật Bản. Theo đó, bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền nợ là 14.500 USD. Tìm đến Văn phòng TPL quận 1 để nhờ thi hành án, nguyên đơn trong vụ kiện mong muốn thu hồi nhanh số tiền bị đơn đã nợ.
Vì tình thế cấp bách nên Văn phòng TPL quận 1 phải áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn phía bị đơn xuất cảnh, sau đó chủ động thực hiện một số biện pháp như ngăn chặn phía bị đơn chuyển giao việc kinh doanh nhà hàng cũng như một số biện pháp khác để phục vụ quá trình thi hành án.
Đến nay, dù thi hành án vẫn chưa hoàn tất nhưng vụ việc xem như sắp “về đích” vì nguyên đơn đã tháo bỏ mọi ngăn chặn và bị đơn đã thanh toán gần hết số tiền nợ.
“Nhiều khách hàng cứ cho rằng TPL không có khả năng thi hành án nhưng thực tế với công cụ của pháp luật và thẩm quyền pháp luật cho phép thì TPL có thể thi hành án đạt kết quả”- ông Hưng đúc kết.
4 công việc của thừa phát lại
Theo Nghị định 61 của Chính phủ, TPL được làm các công việc sau:
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. |
Bình luận (0)