Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động từ Công an TP Đà Nẵng xác nhận Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Công an Đà Nẵng vào sáng 22-12 công bố quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ ( thường gọi là Vũ "nhôm") để điều tra về hành vi cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.
Theo nguồn tin này, cơ quan điều tra đồng thời cũng phát lệnh truy nã do bị can hiện không có mặt tại nơi cư trú. Quyết định khởi tố được công bố tại nhà của bị can Vũ "nhôm" tại số 82 Trần Quốc Toản (TP Đà Nẵng) có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, tổ dân phố và người thân của ông Vũ.
Bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") hiện đang bỏ trốn
Hiện nay, Công an TP Đà Nẵng đã triển khai lệnh truy nã Vũ "nhôm" đến công an các phường, xã trên toàn TP. Nhiều phường, xã, đơn vị đã nhận lệnh truy nã, đồng thời chuẩn bị thông báo trên các phương tiện đại chúng cho người dân được biết và tố giác đối tượng bị truy nã.
Về việc ông Vũ "nhôm" không có mặt tại nơi cư trú khi công bố lệnh khởi tố bị can, trao đổi với Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cho rằng luật pháp Việt Nam quy định khi tòa án chưa tuyên phạt thì họ có đầy đủ quyền công dân được ghi trong hiến pháp. Thời điểm trước khi bỏ trốn, Vũ "nhôm" hoặc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), vẫn còn đầy đủ quyền công dân như: được ăn, được ở và được đi lại…
"Chuyện Vũ "nhôm" bỏ trốn được là do luật pháp quy định không chặt chẽ. Đó là cái hay, cái nhân đạo của Việt Nam cũng là cái sơ hở. Luật và hiến pháp quy định trừ khi tòa án tuyên phạt thì mới tước quyền công dân. Do vậy người ta vẫn có quyền đi trong và ngoài nước"- Thiếu tướng Cương nói.
Trong khi đó, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết trong nguyên tắc hình sự phải là có lệnh khởi tố bị can thì lúc đó cơ quan chức năng mới triển khai các biện pháp ngăn chặn, bao gồm có: cấm đi khỏi nơi cư trú, bắt tạm giam hoặc là bảo lĩnh…
"Việc ông Vũ "nhôm" bỏ trốn tôi không cho là kẽ hở của luật. Theo tôi về góc độ luật học, đây vẫn là quy trình đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng đã làm đúng trong trường hợp này."- Luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, nếu bất kỳ trường hợp công dân nào cứ bị cơ quan chức năng theo dõi hoặc vô cớ khi chưa có quyết định tố tụng, chưa khởi tố bị can mà bị cơ quan chức năng cấm xuất nhập cảnh thì có được không? Như thế các cơ quan chức năng có phải đang vi phạm pháp luật không?
"Ở đây chúng ta phải nhìn từ 2 phía và tôn trọng pháp luật, xã hội pháp quyền là mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Việc bình đẳng ở đây được chứng minh trước khi có kết luận khởi tố, kể cả ông Vũ "nhôm" hay bất cứ công dân nào đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú. Sau khi khởi tố bị can, nếu xác định bị can không ở đó thì pháp luật đã có quy định truy nã"- Luật sư Tuấn Anh phân tích.
Để tránh trường hợp tương tự xảy ra, Thiếu tướng Cương cho rằng Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao phải họp bàn cùng nhau để nghiên cứu được biện pháp khắc phục.
Bình luận (0)