Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao ra cáo trạng truy tố bị can Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và Nguyễn Văn Minh, nguyên chủ tịch Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty 3-2), cùng 25 bị can khác trong vụ án xảy ra tại Công ty 3-2.
Ông Trần Văn Nam (bìa trái) cùng các bị can trong vụ án - Ảnh: Bộ Công an
Theo cáo trạng, năm 2012, ông Trần Văn Nam là phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã ký quyết định giao khu đất 43 ha và 145 ha cho Công ty 3-2 do bị can Nguyễn Văn Minh là chủ tịch, theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, các bị can đã áp dụng đơn giá từ năm 2006 để tính tiền sử dụng đất giao cho Tổng công ty 3-2 năm 2012 là trái quy định, gây thất thoát 761 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, bị can Minh cùng các đồng phạm chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định. Tuy nhiên, các bị can trong vụ án vẫn cho thực hiện nên đã gây thất thoát hơn 984 tỉ đồng của Nhà nước.
Cụ thể, theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, bị can Nguyễn Văn Minh đã tự ý ký hợp đồng với Công ty Âu Lạc (doanh nghiệp của bị can Nguyễn Đại Dương, con rể ông Minh) để thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú nhằm xây dựng tại khu 43 ha. Năm 2015, Tỉnh ủy Bình Dương quyết định 43 ha của Công ty 3-2 phải cổ phần hoá và được giao về Công ty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương). Tuy nhiên, bị can Nguyễn Văn Minh vẫn lấy khu đất này mang đi góp vốn vào Công ty Tân Phú.
Tháng 8-2016, Nguyễn Đại Dương gặp bà Đặng Thị Kim Oanh bàn bạc để công ty Thuận Lợi (chồng bà Oanh làm đại diện) ký hợp đồng "hứa mua, hứa bán" chuyển nhượng Công ty Tân Phú cùng 43 ha đất với giá 350 tỉ đồng; giá này "không đổi trong mọi hoàn cảnh". Nếu không thực hiện được, Công ty Tân Phú sẽ phải bồi thường cho phía công ty nhà bà Oanh 800 tỉ đồng. Sau đó, bà Oanh đã chuyển 200 tỉ đồng cho Dương và Công ty Âu Lạc. Tiếp đó, Công ty Kim Oanh của bà Kim Oanh chuyển thêm cho Nguyễn Đại Dương 150 tỉ đồng theo thỏa thuận trước đó để được sở hữu toàn bộ 43 ha.
Lô đất 43 ha ở Bình Dương khiến nhiều lãnh đạo Bình Dương vướng vòng lao lý - Ảnh: Thành Đồng
Cơ quan tố tụng đánh giá là sai vì khu đất 43 ha không còn thuộc quyền quản lý của Công ty 3-2. Đáng chú ý, Công ty Âu Lạc của Dương cũng chưa nắm 100% vốn tại Công ty Tân Phú do mới thanh toán cho Công ty 3-2 số tiền 140 tỉ đồng, còn thiếu hơn 133 tỉ đồng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, bị can Nguyễn Văn Minh vẫn chỉ đạo cấp dưới xuất hóa đơn thể hiện Công ty 3-2 đã nhận đủ 273 tỉ đồng từ Công ty Tân Phú.
Đối với nguyên bí thư Trần Văn Nam, cáo trạng xác định bị can này biết việc Công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về Công ty Impco trái chủ trương tỉnh uỷ. Tuy nhiên, tháng 4-2017, do Trần Văn Minh đề nghị, ông Nam chủ trì họp Thường trực Tỉnh ủy, ra thông báo mới cho phép Công ty 3-2 được mang 43 ha đất đi góp vốn. Từ đó, khu đất vốn thuộc nhà nước đã bị doanh nghiệp tư nhân là Công ty Âu Lạc thâu tóm, gây thiệt hại hơn 984 tỉ đồng.
Trong quá trình điều tra, VKSND kết luận: Nhóm doanh nghiệp của bà Đặng Thị Kim Oanh đã ký các Hợp đồng hứa mua hứa bán vốn góp, Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp với Công ty Âu Lạc rồi thanh toán 350 tỉ đồng để nhận đất. Tuy nhiên, bà Kim Oanh không biết và không liên quan đến hành vi chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm.
Do đó, việc Đặng Thị Kim Oanh chuyển tiền thanh toán theo thỏa thuận, vay và cho vay với bị can Nguyễn Đại Dương không liên quan đến hành vi làm trái của Nguyễn Văn Minh và các bị can thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Do vậy, VKSND nêu quan điểm không có cơ sở chứng minh bà Oanh câu kết với Nguyễn Đại Dương mua bán, chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định của pháp luật nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự với bà Oanh.
Bình luận (0)