xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Y án tử hình Dương Chí Dũng

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết

HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn; giảm án cho 3 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan

Ngày 7-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên án vụ “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Đủ cơ sở buộc tội các bị cáo

HĐXX nhận định dù dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam của Vinalines chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng từ đầu năm 2007 đến hết năm 2009, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) và đồng phạm vẫn tiến hành khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore), gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỉ đồng.

Theo HĐXX, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) và Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines) đã tham ô 1,666 triệu USD (hơn 28 tỉ đồng) là số tiền “lại quả” mua ụ nổi 83M. Việc thỏa thuận với Công ty AP về tiền “lại quả” không thể do Sơn tự quyết định mà phải có sự thỏa thuận ngầm của Dũng, Phúc với phía Công ty AP vì chỉ 2 người này mới có quyền quyết định việc mua hay không mua ụ nổi 83M. Vì vậy, đủ căn cứ khẳng định Sơn đã nhận tiền và chia cho Dũng 10 tỉ đồng, Phúc 10 tỉ đồng, Chiều 340 triệu đồng và Sơn hưởng 7,8 tỉ đồng (trong đó Sơn cho em gái Trần Thị Hải Hà 2 tỉ đồng).

Bị cáo Dương Chí Dũng được dẫn giải ra tòa để nghe tuyên án vào chiều 7-5
Bị cáo Dương Chí Dũng được dẫn giải ra tòa để nghe tuyên án vào chiều 7-5

Tại phiên tòa, 2 bị cáo Dũng và Phúc không thừa nhận việc nhận 10 tỉ đồng tham ô do Sơn đưa. Nhưng tại CQĐT, Dũng đã nhận tội, hứa sẽ vận động gia đình khắc phục hậu quả và nộp lại số tiền đã tham ô. Lời khai của Sơn đưa số tiền 10 tỉ đồng cho Dũng cũng phù hợp với những chứng cứ có trong hồ sơ. Về lời khai có sự mâu thuẫn của bị cáo Sơn trong các lần đưa tiền cho bị cáo Dũng tại TP HCM hay cho Phúc tại Hải Phòng, HĐXX nhận định sự việc xảy ra đã nhiều năm nên lời khai không chính xác chi tiết về thời gian, địa điểm cũng là điều bình thường. Về những lần Sơn chuyển tiền cho Phúc, kết quả xác minh việc xuất nhập cảnh của con trai Phúc đúng là người này có nhập cảnh Việt Nam vào ngày 28 Tết năm 2008, phù hợp với lời khai của Sơn về việc mang 5 tỉ đồng về quê An Hồng, An Dương, Hải Phòng cho Phúc vào ngày cuối năm. Khi đó, Sơn thấy con trai Phúc lái một chiếc xe Lexus 4 chỗ rất đẹp đưa Phúc về quê.

Trước phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo Dũng đã nộp 5,2 tỉ đồng, gia đình bị cáo Phúc nộp 3,5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo HĐXX, số tiền này chỉ bằng 1/3 - 1/2 số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt và rất nhỏ so với thiệt hại gây ra nên không làm thay đổi nhận định về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo.

Tiếp tục kiến nghị một số vấn đề

HĐXX cũng nhấn mạnh các bị cáo chưa thành khẩn khai báo, nhận tội; riêng bị cáo Dũng còn có hành vi bỏ trốn… Vì vậy, việc tuyên án tử hình đối với bị cáo Dũng và Phúc là hoàn toàn đúng đắn.

Đối với bị cáo Sơn, mức án 22 năm tù (tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng), trong đó có 14 năm tù về hành vi tham ô tài sản, là quá nhẹ khi vai trò của bị cáo thể hiện rất lớn, hưởng lợi 7,8 tỉ đồng. Do đó, cần có hình thức kháng nghị tăng hình phạt về tội danh này đối với bị cáo Sơn. Ngoài ra, HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ trách nhiệm Cục Đăng Kiểm Việt Nam liên quan đến vụ án này. Đối với Trần Thị Hải Hà (em gái Sơn) có hành vi giúp sức cho Sơn nhận khoản tiền “lại quả”, bản thân được nhận 2 tỉ đồng nhưng không bị CQĐT đề cập là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Về mức bồi thường, HĐXX buộc các bị cáo Dũng, Phúc mỗi người nộp 110 tỉ đồng như án sơ thẩm đã tuyên.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên y án tử hình đối với bị cáo Dũng, Phúc; 22 năm đối với Sơn; Trần Hữu Chiều 19 năm, Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên) 7 năm, Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines) 7 năm tù. Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, HĐXX cho rằng có căn cứ giảm mức bồi thường vì đánh giá mức độ thiệt hại của ụ nổi đã giảm 8 tỉ đồng; đồng thời chấp nhận kháng cáo, giảm cho mỗi bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện từ 8 năm xuống còn 6 năm tù.

Tính lại việc kê biên tài sản cho vợ Dương Chí Dũng

Về tài sản kê biên, tòa xác định căn nhà của vợ chồng Dương Chí Dũng và bà Phạm Thị Mai Phương là tài sản chung vợ chồng. Việc không khấu trừ giá trị 1/2 căn nhà cho bà Phương, khấu trừ 1/8 căn hộ tại Sky City của chị P.T.T là sai sót. Vì vậy, cần khấu trừ khoản tiền này để bảo đảm quyền lợi của người liên quan khi kê biên, thanh lý các tài sản. Tòa bác quan điểm của bị cáo Dũng và bà Phương khi cho rằng tiền mua 2 căn hộ hạng sang cho chị P.T.T là của bà Phương đưa cho Dũng. Tòa cũng không chấp nhận kháng cáo đề nghị hủy kê biên căn nhà ở Quảng Ninh của vợ bị cáo Mai Văn Phúc.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo