Bài 1: Khổ luyện từ bé
Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ không một bộ môn nào đòi hỏi diễn viên phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe như múa. Nếu được gia đình phát hiện năng khiếu ngay từ lúc lên 5, lên 10 tuổi, chưa muốn nói là con nhà nòi, diễn viên múa đã phải có một thời gian dài học múa với chế độ tập luyện, ăn uống khắc nghiệt.
“Xem con gái tập mà nước mắt lăn dài”
Đến với lớp học Những ngôi sao nhỏ của Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen bạn sẽ nhìn thấy sự căng thẳng trong tập luyện của các bé tuổi còn quá nhỏ. Có bé vừa từ trường mẫu giáo về đã phải thay đồ vào lớp học múa. Các em ăn trưa, ăn chiều ngay trong hành lang và chưa kịp uống nước đã phải lao vào tập luyện. Nghệ sĩ Cẩm Thu kể, con gái của chị là bé Thu Tâm rất yêu nghề múa, có những buổi chị đến lớp xem con gái tập mà nước mắt cứ lăn dài. Vì để có một đội hình đẹp, một tổng thể hoàn chỉnh, thầy và trò đổ biết bao mồ hôi. Một bé làm sai cả lớp phải tập lại từ đầu, cứ thế diễn viên nhí học múa cực gấp bội lần người lớn. Rồi chưa kể đến chuyện bị té ngã, bị đau chân, cha mẹ cứ phải lo sốt vó. Lớn lên một chút, để được thi vào trường đào tạo múa, yêu cầu trước hết là thí sinh phải có hình thể đẹp, chỉ cần ai hơi béo, hơi thấp, chân tay hơi cong, gương mặt thiếu “bắt mắt” là bị loại ngay từ vòng đầu. Những người được tuyển vào buộc phải có độ dẻo của cơ thể, cảm thụ âm nhạc tốt và có khả năng sáng tạo để tưởng tượng ra các động tác múa theo yêu cầu của hội đồng thi. Vượt qua kỳ thi tuyển sinh đã khó nhưng thời gian rèn luyện trong trường (có thể là 4 năm, 7 năm hoặc hơn nữa, tùy theo khóa đào tạo và theo nhu cầu, khả năng của học sinh) mới thực sự là quá trình gian khổ.
Thời gian này, mỗi ngày, học sinh trường múa phải dành ít nhất 4 giờ cho việc tập luyện. Thông thường, lịch học của họ là: buổi sáng tập với thầy cô ở trường từ 7 giờ đến gần 12 giờ, buổi chiều học văn hóa, buổi tối lại đến sàn tập ôn bài. Các bài tập của học sinh trường múa đều rất nặng nhọc, dù là ở thể dân tộc dân gian hay ballet cổ điển cũng đều đòi hỏi độ khéo léo và kỹ thuật cao. “Ngày nào cũng như ngày nào, chúng tôi phải tập bật cao, quay tròn, uốn dẻo, nhảy bước lớn, con gái thì còn phải tập đi trên giày mũi cứng... Vào mùa đông, ở bên ngoài trời rét cắt da cắt thịt, nhưng trong phòng tập của chúng tôi, 12 cái quạt trần vẫn quay vù vù, con trai thì cởi trần, con gái cũng chỉ mặc đồ tập thông thường, vậy mà đứa nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại” - Hoàng Mai, một cựu sinh viên Trường Cao đẳng Múa Hà Nội, cho hay.
Những bài tập khắc nghiệt
So với các bộ môn nghệ thuật khác, múa có nhiều bài tập khắc nghiệt như xiếc. Để có thể giang hai chân thẳng, diễn viên múa ballet phải tập kéo chân bằng tạ. Mỗi quả tạ nặng vài mươi ký được cột vào chân học viên, sau đó duỗi thẳng để kéo. Để có cơ bụng, học viên phải tập hít đất, hai bàn tay bị bầm dập vì phải cọ xát với mặt sàn. Để tập đi bằng hai đầu ngón chân, chuyện rướm máu, chảy máu và chai cả hai đầu ngón chân là chuyện thường xảy ra. Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang, kể: “Mặc dù chân tay, các khớp xương của người nào cũng thường xuyên ở trong tình trạng mỏi nhừ, đau nhức, nhưng chẳng ai dám lơ là tập luyện, bởi niềm say mê nghề nghiệp, bởi những áp lực từ thầy cô, bạn bè... và hơn thế nữa là muốn được thành nghề, được sống với niềm đam mê của mình. Lúc tôi bước theo nghề này chỉ mới 9 tuổi, cái tuổi chưa biết hết thế nào là vất vả, nhưng tôi vẫn kiên trì”. NSƯT Đặng Hùng cho biết: “Những bài tập đau điếng cả người mà chúng tôi học được từ thầy cô nay tiếp tục truyền lại cho hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đôi lúc tôi khóc vì thấy con gái mình, diễn viên Linh Nga, quá cực. Nhưng mẹ cháu lại bảo, đó là hình ảnh của chúng ta thuở trước. Không có gì đau khổ cho bằng học mà chẳng tiến bộ”.
Một bài tập đau đớn nữa là cách đứng thẳng người, dựa lưng vào tường vài giờ. Sau đó nhón chân, áp sát người vào tường để tập thế đứng thật thẳng. Rồi màn tập bẻ cong lưng, đi bằng đầu gối. Nếu học nhảy hip-hop, học viên còn phải học cách quay người nhiều vòng, chống tay làm trụ, chống cổ làm trụ. Chuyện gãy tay, bong gân, trật cổ là chuyện thường ngày đối với dân học múa chuyên nghiệp.
Vừa ăn vào lại móc họng ói ra
Và nữa, chế độ ăn uống đối với diễn viên múa là quá khắc nghiệt. Trong làng văn nghệ người ta truyền tụng nhau bài vè đúc kết tính chất đặc trưng của mỗi công việc trong từng lĩnh vực nghệ thuật: “Ăn như múa, ngủ như ca, la cà như ban nhạc, rời rạc như hậu đài, nói dài như biên đạo”. Ăn như múa ở đây nghĩa là không phải ăn nhiều. Hoàng Long, diễn viên múa Đoàn Nghệ thuật Hoa Mai – Hà Tây, cho biết: “Ăn nhiều có mà bụng to, là bỏ nghề sớm. Nhiều khi thèm ăn bát phở nhưng số cân đang tăng, vừa ăn vào lại phải móc họng cho ói ra, vì để thức ăn tiêu hóa thì sẽ tăng trọng lượng. Với cách ăn này phần nào giải tỏa được sự thèm ăn nhưng không bị mập. Nghề chúng tôi xem trọng hình thể còn hơn người mẫu thời trang”.
Đối với diễn viên múa ballet, khẩu phần ăn mỗi ngày còn đòi hỏi sự chính xác đến tuyệt đối. Phải có đủ bao nhiêu gam thịt bò tái, bao nhiêu lít sữa, rau, quả, trứng... Minh Giang, sinh viên Trường Múa TPHCM, than: “Ăn hoài các món này cũng phát ngán, nhưng nghề của mình không cho phép làm khác đi được”.
Đối với các diễn viên ở thị thành, suất ăn theo chế độ soạn sẵn luôn đủ chất dinh dưỡng, còn ở các tỉnh thì sao. Chị Sơn Thị Lan, cựu sinh viên Khoa Múa dân tộc thiểu số ở Trà Vinh, kể: “Ở dưới tôi chỉ có rau và cá. Có cái ăn để học là mừng. Chế độ dinh dưỡng chỉ được nghĩ đến khi có đời sống dư dả. Để bám nghề chúng tôi dành dụm tiền phụ cấp thanh sắc để bồi dưỡng cơ thể, nhưng cũng chỉ đủ mua sữa đánh với trứng gà làm thức uống mỗi khi đi tập về quá mệt”.
Bình luận (0)