xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỗ lũa và thú chơi kỳ mộc

Nguyễn Quyết - Lan Anh

Nét độc đáo và hấp dẫn nhất của gỗ lũa là trước một tác phẩm, người ta có những cảm nhận và tưởng tượng khác nhau. Vẻ đẹp ấy là sự kết hợp giữa thiên nhiên và con mắt tưởng tượng của con người. Người ta gọi nghệ thuật chơi gỗ lũa là nghệ thuật của cái nhìn và tưởng tượng.

Những người say mê gỗ lũa thường có một triết lý riêng, coi nó là “kỳ mộc”, là phần “sống” duy nhất của cây gỗ đã chết vì chất của gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh hay ảnh hưởng mưa nắng. Theo rỉ tai của các nghệ nhân chơi lũa, lũa có 3 loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được tạo thành từ mưa, gió.

Mỗi loại lại có đặc điểm riêng: lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp. Tất nhiên, không phải loại gỗ nào cũng hình thành được lũa. Lũa được tạo thành bởi những loại gỗ quý như đinh, trai, nghiến hoặc những loại gỗ chứa dầu thơm như giáng hương, đinh hương, gù hương. Vẻ đẹp gỗ lũa không bao giờ lặp lại. Nó được ví như trầm hương vì giá trị vô giá của nó và việc tìm kiếm cũng khó khăn khôn lường.

Tìm được lũa đã khó, tạo hình cho lũa còn khó hơn. Ông Hoàng Hải Vân, nghệ nhân chơi gỗ lũa nổi tiếng của Hải Phòng bảo, nó phụ thuộc vào hình dáng ban đầu của lũa. Quan trọng hơn là con mắt nhìn và trí tưởng tượng của người chơi. Dựa trên hình dạng, đường nét của lũa, người ta phải khai thác các chi tiết sao cho tác phẩm sinh động, có một ý nghĩa nào đó. Và đó là cách nghệ nhân “thổi hồn” cho lũa. Đôi khi có thân lũa không cần phải có thêm một sự can thiệp nào vì bản thân “tác phẩm” do thiên nhiên tạo ra đã quá hoàn mỹ.

Mặc dù vậy, chơi gỗ lũa vẫn là một thú chơi khá “xa xỉ” với nhiều người. Vì không phải ai cũng dốc túi ra mua về những khúc gỗ và không phải ai cũng nhìn thấy vẻ đẹp của nó.

Những người “mệnh mộc”

Tác phẩm gỗ lũa lớn nhất VN thời điểm hiện tại có lẽ là Lê Lợi hoàn kiếm của anh Lê Văn Chiến. Tổng thể tác phẩm dài 6,4 m, rộng 2,4 m và cao 4,3 m và nặng tới 4 tấn. Anh đang trưng bày tại Hà Nội và ra giá 1 tỉ đồng. Đó là một trong nhiều tác phẩm mà người con của Quảng Trị này đã mang ra triển lãm trong dịp chào mừng APEC 2006 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo lời của người dân vùng Cùa, cái cây làm nên tác phẩm Lê Lợi hoàn kiếm có từ rất lâu rồi, phải hơn 1.000 năm. Từ thời xa xưa, người ta đốn thân cây để làm cầu, còn lại cái gốc cho đến ngày nay. Tác giả coi nó là tác phẩm để đời và có ý nghĩa rất linh thiêng với lịch sử nói chung và Hà Nội nói riêng.

Đối với anh Lê Văn Chiến, mỗi tác phẩm gỗ lũa được gắn một phần tâm linh. Anh bảo, loại gỗ này lạ lắm, tưởng là gỗ chết nhưng thực ra nó vẫn còn sống và trường tồn qua hàng nghìn năm. Gỗ lũa sẽ không thể mang cái hồn nếu không có bàn tay của nghệ nhân. Anh quan niệm, người chạm trổ gỗ được coi là nghệ nhân, nhưng người tạo cho gỗ lũa một cái hồn thì phải là nghệ sĩ.

Quê anh có loại gỗ trai rất cứng, mà cũng chỉ Quảng Trị mới có trên một vùng bán kính 200 km2 kéo dài từ Bãi Hà đến vùng Cùa, Cam Lộ. Anh bắt đầu cái nghiệp gỗ lũa này từ chục năm trước. Lúc đầu chỉ là chơi, rồi nghiện. Thế là anh bắt đầu đi săn lùng những gốc gỗ lũa như con thú lang thang trong rừng già đi tìm một điều có trong tưởng tượng.

Những gốc cây trai mục trơ lại bộ xương của mình lại nằm sâu trong lòng đất. Cứ ở đâu có nói về gốc cây lũa là anh tìm đến. Anh bỏ tiền ra cho người dân trông coi mảnh rừng để mua gốc lũa đó. Ngày anh đi, đêm anh cũng đi. Cái cảm giác phải nhìn thấy ngay hình dáng của gốc cây thôi thúc anh phải lên đường. Và phải đưa gốc cây ấy lên khỏi lòng đất. Chuyện đào gốc gỗ lũa cũng đòi hỏi phải có công sức và công nghệ. Nào xe, nào cẩu, nào nhân công đào xới... động cái gì cũng tiền.

Trong những chuyến đi, lần đào gốc cây “Lê Lợi hoàn kiếm” làm anh vất vả nhất, đáng nhớ nhất và cũng có vẻ kỳ bí. Bởi vì lần đó anh mang cần cẩu vào cẩu nhưng không thể nào cẩu nổi. Phần vì gốc to, phần vì cái gì anh cũng không nắm bắt được. Lần thứ 2, chiếc cần cẩu bị gãy.

Anh phải thắp hương vái “thần cây” mới nhổ lên. Nhổ lên nhưng không lên được bờ, nhưng không lên được xe, lên xe lại không di chuyển được. Anh đã phải thắp hương đến lần thứ 9 mới đưa được gốc cây về nhà. Anh đặt gốc cây ở giữa sân, mắc bóng điện lên, pha cà phê với ấm trà đặc rồi ngồi một mình cả đêm đến khi nào ý tưởng bật lên trong đầu. Với anh, sự tưởng tượng là quan trọng nhất.

Anh bảo, nếu tác phẩm Lê Lợi hoàn kiếm của anh bán được ở Hà Nội, anh sẽ mang một phần số tiền ấy về chính nơi anh đã mang gốc cây ấy đi, tặng cho những người bị nhiễm chất độc da cam. Anh là người con của Quảng Trị, gốc cây cũng là một phần của Quảng Trị. Được mang tác phẩm ấy ra Hà Nội, để lại thủ đô cũng đã là một phần hạnh phúc của người yêu gỗ lũa như anh rồi.

Đẳng cấp của gỗ lũa

Có một điều mà dân trong nghề đều biết với nhau, đó là không có một chuẩn mực nào cho việc tạo hình cho gỗ lũa. Nếu ở miền Nam các nghệ nhân thường tạo hình mới cho lũa thì miền Bắc lại thích để nguyên phôi hoặc can thiệp rất ít. Trong khi ở Quảng Trị, các tác phẩm đều mài bóng, đánh vẹc-ni óng ả. Nhìn tác phẩm, người ta có cảm giác nguyên thủy của gỗ lũa.

Từng thớ gỗ vẫn nguyên màu sắc. Bàn tay nghệ nhân chỉ động vào những chỗ nào thật cần thiết để làm theo ý tưởng của mình. Một số nghệ nhân đất Bắc cho rằng, cái đẹp từ thiên nhiên vẫn đẹp nhất. Để ý kỹ sẽ thấy hầu như việc tạo hình cho lũa phụ thuộc vào thân lũa ấy như thế nào chứ không phải phụ thuộc vào nghệ nhân muốn nó như thế nào.

Đồ càng độc càng có giá, vì thế mới có chuyện có những người như anh Chiến khăn đùm cơm nắm lặn lội vào rừng sâu. Họ đi tìm cái đẹp do thiên nhiên tạo nên. Nếu người này có, người kia sẽ không có. Mỗi thân lũa chỉ có một trên đời. Tuy nhiên, có một nỗi lo vẫn mơ hồ xâm chiếm những kẻ ra đi, vì lẽ cây gỗ quý, cổ thụ ngày càng ít được khai thác, trong khi rừng mới lại chưa đủ thời gian cho những thân gỗ lũa hoành tráng sau này.

Vì thế gỗ lũa càng trở nên quý hiếm. Có tác phẩm lên tới cả chục nghìn đô la, tức cả tỉ đồng Việt Nam. Dân “săn” lũa gặp nhau trong một cánh rừng thường cười với nhau rồi ngồi bàn luận những gì mình kiếm được. Âu đó cũng là niềm đam mê chung và vì cái đẹp. Rồi mỗi người lại một ngả, họ tiếp tục tìm kiếm một thứ, mà ngay cả trong tưởng tượng họ cũng chưa biết nó sẽ thế nào...

Mua một, bán mười

img
Nghệ nhân Lê Văn Chiến say mê bên tác phẩm của mình

Ở Hà Nội có không ít cửa hàng bán gỗ lũa, nhưng khách quen hay ghé vào hai hàng, một ở Hàng Nón, một ở phố Thể Giao . Hay ghé vì hai cửa hàng này có khá nhiều hàng đẹp, giá cả lại rất phải chăng, có khi chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng là bạn đã có trong tay một bức tượng nho nhỏ vừa ý. Chị Hà Linh, bà chủ của hàng trên phố Thể Giao (nay đã đóng cửa) tiết lộ, tất cả tượng của cửa hàng chị đều lấy từ một làng nghề bên Đông Anh.

Làng nghề này mua gỗ xưa ở tận Tây Nguyên, giá gốc rẻ như cho, vì tính theo từng ký chứ không theo mét khối. Gốc cây to nhỏ lớn bé đều nhặt tất, vì cái quý, cái đắt không nằm ở chỗ to nhỏ mà nằm ở độ tinh xảo của bàn tay nghệ nhân và dáng gỗ. Đạt ma sư tổ, Lã Vọng, Phúc Lộc Thọ, Quan Vân Trường, Di lặc... là những bức tượng được người mua yêu thích nhất, vì theo quan niệm nhiều người, đây đều là những bức tượng đem lại may mắn cho người mua.

Có bức tượng cao chỉ 20 cm giá năm trăm nghìn, nhưng cũng có bức nhỏ hơn thế giá gần 10 triệu đồng mà khách vừa mua vừa sướng, đặc biệt là khách đến từ Đài Loan. Chị Linh bảo, cái thú chơi gỗ lũa này nó đặc biệt lắm, một khi đã thích thì đắt mấy cũng mua, có khi kỳ kèo mặc cả vài ngày rồi sau cũng phải quay lại lấy. Bán cho khách Đài Loan, Sài Gòn, có khi giá nhập về chỉ mấy trăm nghìn nhưng giá bán thì lên đến cả chục triệu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo