xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tấm lòng vàng ở Siem Reap

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Một cô gái trẻ sang Siem Reap mở xưởng mỹ nghệ để giúp trẻ khuyết tật; một lão thầy giáo 80 tuổi gieo chữ cho trẻ nghèo giữa Biển Hồ… Họ âm thầm làm việc, vun đắp cho tình anh em Việt Nam - Campuchia

Hành trình 10 ngày đi qua 3 nước Lào, Thái và Campuchia để lại nhiều ấn tượng với chúng tôi. Nhưng có lẽ sâu đậm và khó quên nhất vẫn là chặng cuối khi đến Siem Reap - Campuchia.

Cô gái hết lòng vì người khuyết tật

Vào ban đêm, các pub street lúc nào cũng đông nghịt khách du lịch phương Tây với đầy đủ dịch vụ; từ quán bia, tiệm ăn, cà phê đến nhà hàng ca nhạc và cả những quầy bán rau xanh, nước trái cây thốt nốt của người dân bản địa.

Lọt thỏm trong khu phố đêm Siem Reap là một cửa hàng bán hàng mỹ nghệ, tranh sơn mài, tranh màu nước, ảnh nghệ thuật của một cô gái trẻ. Chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Anh một hồi mới nhận ra cô là một cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, tên là Đỗ Trang.

Trẻ em nghèo chèo thuyền đến học tại Trường Tiểu học Việt Nam ở Biển Hồ
Trẻ em nghèo chèo thuyền đến học tại Trường Tiểu học Việt Nam ở Biển Hồ

Tròn 29 tuổi, Đỗ Trang kết hôn với một thanh niên Pháp, anh Phillipe Pauly, rồi sang đây lập Công ty Kinh doanh mỹ nghệ Cambolac vào năm 2012. Họ có một xưởng dạy nghề, dạy tiếng Anh, dạy vẽ và sản xuất các loại tranh ảnh nghệ thuật, các loại vật phẩm lưu niệm bằng sơn mài in hình ảnh, họa tiết của Angkor Wat, Angkor Thom… với gần 30 học viên là người khuyết tật và người nghèo bản xứ. Đỗ Trang chia sẻ: “Tuy du khách đến Siem Reap đông đúc nhưng đây là tỉnh nghèo nhất Campuchia; nhiều người là nạn nhân chiến tranh không có việc làm và các điều kiện chăm lo sức khỏe. Chúng tôi muốn giúp đỡ để họ trở thành những người có ích cho cộng đồng và tạo ra những sản phẩm do chính người Siem Reap làm ra thay vì nhập từ nơi khác về. Đến nay, thu nhập bình quân cho mỗi người khuyết tật làm việc tại đây khoảng trên 3 triệu đồng/tháng”.

Đó là lý do mà đôi vợ chồng trẻ này quyết định chưa có con để tập trung vào công việc mang tính nghệ thuật lẫn thiện nguyện mà họ cùng mơ ước. Họ có một xưởng sản xuất, có nơi ăn cho các học viên và thuê một căn nhà giữa khu phố đêm làm nơi trưng bày, bán sản phẩm. “Nhiều du khách đã đến đây mua tranh và quan tâm hoàn cảnh của các em. Điều này tiếp thêm động lực để chúng tôi gắn bó với nơi này” - Đỗ Trang thổ lộ.

Điểm dừng chân ý nghĩa

Biết chúng tôi dự định đi Biển Hồ, Đỗ Trang nói mùa này dòng kênh từ bến du thuyền ra Biển Hồ khô cạn rất khó đi. “Giá vé đi Biển Hồ cũng đắt như đi thăm Angkor Wat (cách trung tâm TP Siem Reap khoảng 300 km) nhưng anh nên ra đó, sẽ rất có ý nghĩa” - Đỗ Trang thúc giục. Tôi chưa hiểu ý cô cho đến khi thực hiện xong chuyến đi sau đó…

Phải mất gần nửa giờ đi thuyền qua những đoạn kênh khô kiệt, nhiều đoạn quá cạn phải tránh cho tàu múc khai thông. Ra đến gần cửa, nhìn bên bờ, thấy một khu nghĩa trang, người hướng dẫn nói: Đó là nghĩa trang của người Việt Nam.

Thầy giáo Trần Văn Tư hết lòng vì con trẻ
Thầy giáo Trần Văn Tư hết lòng vì con trẻ

Trên Biển Hồ có hơn 3.000 người Việt sống lênh đênh từ nhiều đời nay cùng những người nghèo gốc Khmer, Chăm. Họ vốn sống bằng nghề đánh cá nhưng do chính phủ Campuchia cấm đánh bắt vì lo cạn kiệt tài nguyên nên cuộc sống hiện giờ của họ rất khổ sở. Khu mộ này là của ông bà, cha mẹ họ chôn theo tập quán địa táng của người Việt và phải được chính quyền cho phép sau khi mua mỗi phần mộ lên đến 500 USD. Nhiều gia đình không có tiền phải chôn người thân dưới đáy hồ vào mùa khô.

Những xóm nhà nổi lợp tôn thưng ván nối sát nhau cách cửa kênh chúng tôi ra khoảng 5 cây số. Gần mỗi xóm là những “tháp cây” gỗ được cắm xuống biển thành các vòng tròn. Đó là những loại vật liệu xây dựng dự trữ khi cần thiết vì nếu thả nổi sẽ bị sóng cuốn trôi. Thuyền chúng tôi giảm tốc gần một dãy nhà gỗ sơn màu xanh với bảng chữ trắng - vàng nổi bật: “Trường Tiểu học Việt Nam do Quân khu 7 - Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng” kèm dòng chữ Khmer bên trên. Chúng tôi quyết định dừng lại. Năm, bảy em nhỏ chừng trên 10 tuổi ra lan can phụ giúp kéo dây cho thuyền cập vào…

Đập vào mắt tôi là một lớp học của trẻ con Việt đủ mọi lứa tuổi ngồi chung từng lớp. Thầy giáo Trần Văn Tư - 80 tuổi, quê Tây Ninh - là hiệu trưởng của trường. Năm 1979, trong một lần sang đây bán muối, vì thấy các gia đình này quá nghèo khổ, nhiều đứa trẻ mù chữ nên ông quyết định ở lại đây dạy học. “Chúng chỉ biết bơi dưới nước và leo trèo trên cây chứ chẳng biết gì. Cả cha mẹ chúng nhiều người cũng chẳng biết quê hương ở đâu mà về. Dù nói được tiếng Việt nhưng không biết chữ thì chẳng bao giờ ra khỏi nghịch cảnh này…” - thầy giáo Tư ưu tư khi ra đón chúng tôi.

Cổ tích giữa Biển Hồ

Mở lớp được một thời gian, được chừng 30 em theo học, ông Tư bỏ giữa chừng, tiếp tục đi buôn muối. Đến năm 1989, ông quay lại Biển Hồ. Bên cạnh vốn liếng dành dụm được, ông vận động những người hảo tâm giúp đỡ. Ông đến từng gia đình, thuyết phục cho con đến trường, vừa học vừa được ăn ngày 2 bữa cơm.

Khi Quân khu 7 giúp xây dựng lại ngôi trường, mở thêm các lớp mới, ông Tư nhận vào trên 300 em từ lớp 1 đến lớp 5. Rồi ông mời giáo viên, thuyết phục các con, dâu và vợ từ quê sang dạy và thuê thêm người nấu các bữa ăn tại nhà ăn tập thể ngay chính trên ngôi trường lênh đênh giữa Biển Hồ ấy. Cứ nghĩ mỗi bữa ăn cũng tốn ít nhất đến 2 triệu đồng thì đủ biết ông Tư vất vả như thế nào. “Tôi vừa qua một cơn tai biến nên lại lo chưa tìm được người tiếp tục sự nghiệp này. Nếu không có ai, chắc các cháu lại tiếp tục mù chữ, lại tiếp tục mò cua bắt ốc hay đi ăn xin như cha mẹ chúng thôi…” - ông lo lắng.

Đỗ Trang chăm lo cho người khuyết tật ở phố Tây Siem Reap
Đỗ Trang chăm lo cho người khuyết tật ở phố Tây Siem Reap

Rất may là nhiều đoàn khách du lịch đã đến thăm trường, tặng tiền, thực phẩm và sách vở cho các em nên cũng trang trải được phần nào chi phí. Nhưng qua lời ông Tư, ngoài các phòng học của Quân khu 7 và một số sách giáo khoa do NXB Giáo dục tặng, đến nay hầu như ngôi trường đặc biệt này chưa hề được ngành giáo dục và các cơ quan hữu quan trong nước quan tâm. “Chính quyền tỉnh Siem Reap không can thiệp gì, vẫn cho chúng tôi dạy nhưng về lâu dài thì không biết ra sao…!” - ông Tư băn khoăn.

Tôi từng đi làm công tác xã hội nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp cảnh tượng quá xúc động và lạ lùng này! Các bạn tôi cũng vậy, họ càng nghe ông Tư kể, nhìn cảnh các cháu gầy còm cúi gập người trên những cuốn vở hay tự chèo những chiếc xuồng bé lúc tan trường mà ứa nước mắt. Những người lính trinh sát năm xưa, cả nam và nữ, cầm lòng không đậu; tất cả tự động mở ví và lấy hết những tờ bạc đang có, cả tiền riel, tiền baht, tiền Việt… góp tặng nhà trường.

Mặt trời đã tắt. Chúng tôi bỏ hẳn dự định ghé vào một nhà hàng trên Biển Hồ để dùng bữa tối như dự định để quay về Siem Reap. Một người bạn đồng hành nói: “Nhìn thấy cảnh này, chẳng còn muốn ăn uống chi cả!”. Còn tôi thì im lặng và miên man nghĩ đến tấm lòng của thầy giáo Tư - ông Bụt giữa đời thường - như một chuyện cổ tích trên Biển Hồ...

Thầy giáo Thái Hồng Sơn - 37 tuổi, quê Tây Ninh - cho biết ngoài anh còn có 4 giáo viên từ Bình Phước, Tây Ninh và Long An theo chân lão thầy giáo Trần Văn Tư qua Biển Hồ dạy. “Tuy phụ cấp chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng nhưng vì thương ông hiệu trưởng Tư nên chúng tôi không quản ngại” - anh Sơn bộc bạch.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo