xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ước mơ da cam

MẠNH DUY – BÍCH VÂN

Không đầu hàng số phận, nhiều nạn nhân chất độc da cam dù bị bệnh tật hành hạ, cơ thể biến dạng nhưng vẫn vươn lên với nghị lực phi thường

Với nạn nhân chất độc da cam, bất hạnh cứ chồng lên bất hạnh, khó khăn lại nối tiếp khó khăn bởi họ thường không chỉ nghèo mà sức khỏe còn không cho phép làm được những việc dù đơn giản nhất trong cuộc sống hằng ngày. Vậy mà, nhiều người vẫn tìm mọi cách để vượt lên nghịch cảnh, vượt lên nỗi đau da cam.

Còn sức, còn học

Ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định có một chàng sinh viên nghèo đang học năm thứ 3 Trường CĐ Hóa chất (Việt Trì – Phú Thọ) luôn theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư. Trần Văn Tân là con áp út trong gia đình có 5 anh chị em. Các anh, chị của Tân đều mang trong mình những biểu hiện bệnh lý khác nhau do chất da cam quái ác từ bố, một cựu chiến binh ở chiến trường Quảng Trị những năm chiến tranh ác liệt.

img

Trần Văn Tân chưa bao giờ chịu ngừng học dù bệnh tật hành hạ. Ảnh: Mạnh Duy

Vào cấp hai, Tân mới phát hiện cơ thể mình có các biểu hiện lạ, rồi những cơn đau cứ tăng dần. Nhiều người đã khuyên Tân bỏ học để tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh nhưng cậu không chịu. “Với em, được đi học luôn là ước mơ cháy bỏng nhất. Chỉ cần đôi chân vẫn còn đi được, đôi tay vẫn còn viết được thì em vẫn đi học”- Tân quả quyết.

Năm 2010, Tân học ngày, học đêm để thi ĐH dù không khi nào những cơn đau nhức từ xương tủy thôi hành hạ cậu. Tân ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp nhưng thiếu 0,5 điểm để đậu vào Trường ĐH Nông nghiệp. Đậu nguyện vọng 2 Trường CĐ Hóa chất, Tân quyết lên đường nhập học dù lúc này bệnh tình cậu ngày càng trầm trọng.

Tân không thôi ước mơ đi học bởi một lẽ rất đơn giản: “Bố mẹ cả đời khổ nhọc với việc đồng áng để nuôi 5 anh em. Em muốn học để làm ra tiền giúp gia đình và tự lo cho bản thân”. Em trai Tân cũng ham học không kém nhưng Tân hiểu rằng bố mẹ mình chỉ có thể đủ sức để lo cho một đứa con ăn học. “Trước mắt, “cuộc chiến” còn rất dài nhưng em sẽ không bao giờ đầu hàng, dù phải chịu đau đớn do bệnh tật thế nào đi nữa”- Tân thổ lộ.

Đỗ Thị Quyên, quê xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư - Thái Bình, cũng luôn nuôi ước mơ cháy bỏng như Tân. Chất độc da cam đã gây ra bi kịch lớn cho gia đình cô gái 28 tuổi này khi một người anh của Quyên đã qua đời vì ung thư máu, một người anh khác giờ chỉ nằm một chỗ. Quyên bảo cô may mắn hơn nên quyết “sống bù, học bù” cho các anh.

Khi đã trở thành sinh viên Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, thỏa mãn ước mơ ngồi trên giảng đường, Quyên nhận ra rằng cô phải học nghề để có thể vừa học vừa làm, không trở thành gánh nặng của cả nhà. Thế là cô gái da cam quyết tâm thi vào Trường CĐ nghề Văn Lang và lái cuộc sống của mình sang một hướng khác. Tuy nhiên, sau năm học đầu tiên, Quyên đã phải bảo lưu kết quả học tập. Sức khỏe của Quyên hiện rất yếu, ngày trở lại trường có lẽ còn xa nhưng cô vẫn khẳng định: “Khi còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời là tôi còn muốn đi học”.

“Bé hạt tiêu” mà đáng nể

Mang thân hình dị tật, chỉ cao khoảng 0,8 m và nặng chừng 20 kg nhưng Nguyễn Ngọc Phương vẫn sống và sinh hoạt như người bình thường. Học chỉ đến lớp 6 nhưng Phương được hơn 50 trẻ ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam Đà Nẵng gọi là “thầy” bởi anh không chỉ dạy cho các em nghề nghiệp mà còn khuyên răn, chỉ bảo cả cách sống. “Sống chân thật là cách để nạn nhân da cam hòa đồng với xã hội, gần gũi hơn với mọi người và có được một cuộc sống lạc quan”- Phương tâm sự.

img

Nguyễn Ngọc Phương trao đổi với các nạn nhân chất độc da cam cùng cảnh ngộ. Ảnh: Bích Vân

Ngay từ nhỏ, khi thấy các bạn cùng lứa cắp sách đến trường, Phương cũng ao ước được đi học. Bố mẹ Phương cứ nghĩ con mình nhiễm chất độc da cam vốn yếu ớt, không thể đi học như người bình thường được. Thế nhưng, hằng ngày Phương vẫn mang sách vở đến trường. Không có tên trong danh sách, cô giáo không cho vào lớp, Phương đành đứng ngoài hành lang nghe lóm. “Tôi đứng ngoài nghe phía trong đọc gì là thuộc làu làu nhưng không biết mặt chữ vì cửa sổ cao, không nhón lên nhìn vào bảng được”- Phương nhớ lại.

Một hôm, có cô giáo trong trường phát hiện một cậu bé ngồi ngoài nghe và đọc ê a theo lớp học mới viết giấy gửi về gia đình để bố Phương làm hồ sơ cho con nhập học. Vậy là Phương được theo chân các bạn vào lớp, thỏa mãn khao khát được nhìn thấy con chữ trên bảng đen. Tuy nhiên, việc học của Phương đành dở dang bởi anh phải đi khám, chữa bệnh khắp nơi.

Không thể tiếp tục theo học, cộng với suy nghĩ bố mẹ không thể nuôi mình cả đời. Phương quyết định khăn gói vào TPHCM lập nghiệp. “Lúc đó bố mẹ không cho tôi đi, nhất là mẹ, cứ khóc bảo: “Làm sao con sống được ở xứ người với thân hình bé hạt tiêu lại bệnh tật thế này?”. Song, tôi trấn an bố mẹ và quyết lên đường”- Phương kể. Cảm phục chàng trai bệnh tật nhưng đầy nghị lực, ông chủ một tiệm điện ở quận Tân Bình đã nhận Phương làm học trò.

Mười năm ở TPHCM, Phương đã học được nghề sửa chữa thiết bị điện và có thể tự nuôi sống bản thân. Lúc nghe tin bố trở bệnh, Phương quay về quê Quảng Nam rồi ra Đà Nẵng sinh sống. Tôi hết sức ngỡ ngàng khi biết được người có dáng vóc như anh mà dám chạy xe 3 bánh chinh phục con đường hơn 900 km từ TPHCM về Quảng Nam! “Người khác làm được, mình cũng làm được thôi”- Phương lý giải.

Chị Hạnh, một giáo viên dạy vẽ ở trung tâm, thán phục: “Phương rất chịu khó, luôn biết vươn lên trong cuộc sống. Mỗi lần có đoàn từ thiện đến thăm, anh luôn là người tiếp đón khi ban giám đốc đi vắng. Ở trung tâm, ai cũng quý mến anh ấy”.

Cũng “bé hạt tiêu” như Phương, Trương Thị Thương, quê xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc – Quảng Nam, được nhiều người nể phục bởi tinh thần hiếu học và nghị lực vượt khó của mình. Chỉ nặng 20 kg, cao 0,7 m nhưng Thương vẫn quyết tâm học đến cùng. “Dù nhà nghèo nhưng thấy em ham học quá, bố mẹ phải chiều theo. Ngày ngày, bố chở em trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến trường. Những hôm bão lũ, bố vừa bồng em vừa xốc chiếc xe đạp lên vai để đi qua những đoạn đường trơn trượt. Vất vả đến thế nhưng em không chịu vắng học buổi nào, bởi em nghĩ mình mà không đi học là thua sút bạn bè ngay” - Thương tâm sự.

Trong đợt tuyển sinh mới đây, Thương đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Khi nhận được quyết định tuyển thẳng vào ĐH, Thương và gia đình mừng không nói nên lời. “Thế là 12 năm đèn sách của em đã có kết quả bước đầu. Vào ĐH, em phải cố gắng hơn nhiều vì việc học hành chắc sẽ khó hơn so với phổ thông”- Thương bộc bạch. Thương mơ ước trở thành cô giáo và sẽ đem kiến thức học được truyền dạy cho những đứa trẻ da cam cùng chung số phận như mình.

Thi sĩ da cam

Gặp Nguyễn Hữu Thịnh lần đầu, ít ai tin chàng trai 30 tuổi quê Cẩm Giàng - Hải Dương này đã xuất bản được một tập thơ. Do di chứng chất độc da cam quái ác từ người bố là chiến sĩ giải phóng quân nhiều năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, cơ thể Thịnh bị biến dạng, chân tay co quắp, khẳng khiu. Ngay cả chuyện nói năng với Thịnh cũng đầy nhọc nhằn. Vậy mà, từ năm 1997 đến nay, Thịnh đã sáng tác được hàng trăm bài thơ.

“Mới lên lớp 2 học được vài ngày thì tôi đành nghỉ ngang do bệnh tật, không đi đứng được. Một thời gian dài sau đó, tôi tự học để đọc thông viết thạo rồi bắt đầu tập làm thơ - niềm yêu thích và mơ ước cháy bỏng của mình”- Thịnh kể. Thịnh cho biết tuyệt vọng từng là cảm giác của anh một thời gian dài nhưng anh đã không để nỗi đau da cam hạ gục. Anh đã từng bước vượt qua, chiến thắng được nỗi đau nhờ không ngừng nuôi dưỡng ước mơ.

img

Nguyễn Hữu Thịnh với tập thơ đầu tay của mình. Ảnh: Mạnh Duy

Chàng thi sĩ da cam lấy bút danh Hàn Tương Thi khoe: “Tôi đang có thêm 3 tập bản thảo thơ rất tâm đắc nhưng chưa biết bao giờ mới xuất bản được vì chưa có nhà tài trợ”. Tập thơ đầu tay gần 100 bài của Thịnh do Quỹ Tình thơ - TPHCM tài trợ xuất bản 600 cuốn được bán hết veo. Bút danh Hàn Tương Thi đã trở nên quen thuộc trên một số diễn đàn văn học, thơ ca có uy tín trên mạng. “Anh chỉ học hết lớp 1 rồi tự học làm thơ… Đọc những vần thơ của anh, không thể kìm được xúc động” - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo