Cần lắm tủ sách trong bệnh viện

Vừa giúp thư giãn, vừa bổ sung kiến thức, vừa tạo được tinh thần lạc quan, phấn chấn cho người bệnh và thân nhân của họ là những điều có thể nhìn thấy...

Bệnh viện là một trong những nơi số lượng người ra vào hoặc ở lại điều trị thường xuyên đông. Việc sử dụng thời gian của họ tại đây có khác nhau nhưng phần lớn là nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Họ có thể tận dụng thời gian đó đọc sách. Điều này vừa giúp thư giãn vừa bổ sung kiến thức, vừa tạo được tinh thần lạc quan, phấn chấn.

Do đó, ngoài việc lắp ti vi trong phòng nội trú, tạo góc thư giãn trong khuôn viên, các bệnh viện nên có tủ sách, kệ sách phục vụ cho những ai đến khám chữa bệnh và người thân của người tới khám.

Để việc xây dựng tủ sách thật sự có ý nghĩa, các bệnh viện nên có khảo sát, bởi với mỗi bệnh viện khác nhau, đối tượng khám chữa bệnh khác nhau thì có thể có nhu cầu về sách khác nhau.

Về nguồn sách, có thể vận động cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đóng góp, kêu gọi cộng đồng ủng hộ (thông qua website, fanpage, bản tin), vận động các nhà sách, nhà xuất bản hỗ trợ… Những cách thức này nếu được tổ chức hợp lý sẽ được đông đảo cá nhân và tổ chức hưởng ứng như đã từng hưởng ứng việc hiến máu nhân đạo, các suất ăn miễn phí, quần áo, giày dép cho phiên chợ 0 đồng…

Về việc xây dựng tủ sách, cần lựa chọn nơi hợp lý để ai cũng dễ dàng tiếp cận. Ở từng khu vực có thể có những cách bố trí nội dung sách, độ dày mỏng của sách khác nhau để phục vụ từng đối tượng chờ khám hay điều trị dài ngày. Đương nhiên, cần quan tâm đầy đủ đến vấn đề bảo đảm vệ sinh, phòng chống lây nhiễm với vật trung gian là sách.

Định kỳ, bệnh viện có thể tổ chức các hoạt động về sách (chẳng hạn ngày Sách Việt Nam 21-4 hằng năm) để tạo sự quan tâm của người bệnh, thân nhân và cộng đồng về hoạt động đọc sách tại bệnh viện. Ngoài ra, có thể tổ chức các "ngày hội sách", các "phiên chợ sách" để thu nhận, trao đổi nhằm bổ sung sách mới và làm cho tủ sách của bệnh viện phong phú hơn.

Tổ chức tủ sách và hoạt động đọc sách tại bệnh viện hiện chưa phổ biến, thiếu bài bản, do vậy cần tối ưu hơn. Lãnh đạo các bệnh viện nên nhìn ở góc độ điều trị tâm lý, tinh thần và tình cảm cho bệnh nhân cũng như cung cấp thông tin, kiến thức cho thân nhân họ nhằm kết hợp và hỗ trợ cho các biện pháp điều trị y tế. Có như vậy mới có sự tổ chức một cách nghiêm túc, ổn định, hiệu quả. Khi đã xem việc khuyến đọc là một việc thường xuyên, dành cho mọi đối tượng thì lãnh đạo các bệnh viện sẽ thấy người bệnh và thân nhân của họ cũng là đối tượng cần được quan tâm và khi đó sẽ tổ chức hoạt động này một cách có trách nhiệm và tâm huyết!