Để người đi bộ chấp hành luật

Cảnh sát giao thông xử phạt người đi bộ sang đường ở Hà Nội không đúng nơi quy định là cần thiết nhằm góp phần nhắc nhở các hành vi tùy tiện và thói quen lựa chọn cự ly gần băng qua đường diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Điều 32 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, thực tế là khó đi bộ đúng luật khi hạ tầng giao thông còn bất cập, chưa đồng bộ; thiếu cầu bộ hành, vạch kẻ; vỉa hè bị chiếm dụng trái phép... Hơn nữa, các phương tiện không biết nhường nhịn, không ít trường hợp người đi bộ qua đường theo vạch kẻ lại bị xe máy rẽ phải đâm vào... Từ đó, nhiều người sẽ mất dần thói quen đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng...

Nhiều đô thị lớn đã thành công khi khuyến khích người dân đi bộ vừa giữ sạch vỉa hè vừa thu hút lượng người sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân, giảm kẹt xe, an toàn giao thông...

Chính quyền tạo thuận lợi cho người đi bộ bằng cách quy hoạch một số tuyến đường dành cho người đi bộ, dẹp nạn chiếm dụng vỉa hè, bố trí hợp lý các vị trí dành cho người đi bộ qua đường như biển báo, đèn báo hiệu, hầm chui, cầu vượt dành cho bộ hành.

Vì thế, cơ quan có chức năng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông cần kịp thời khắc phục bất cập, cung cấp các điều kiện tốt nhất cho người đi bộ. Nên chăng không cho phép các phương tiện cơ giới rẽ phải khi có đèn đỏ, thay thế tấm biển "đèn đỏ được phép rẽ phải" bằng tấm biển "chú ý nhường đường cho người đi bộ".

Trong quy hoạch, thiết kế đường phố, cơ sở hạ tầng, triển khai xây dựng đều hướng đến kết nối đường dành riêng hoặc ưu tiên cho người đi bộ. Tuyên truyền đến từng khu phố, giáo dục trong trường học về việc ưu tiên đi bộ đúng luật là rất cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường thực thi pháp luật xử phạt các phương tiện vi phạm, giải quyết dứt điểm nạn chiếm dụng vỉa hè.