Đừng làm tổn thương trái cây Việt
Hơn chục năm trước, nhiều người thường có thói quen ăn trái cây chín khi còn trên cành vì cảm giác thú vị, ngon miệng. Ấy là thời người dân trồng trọt theo kiểu truyền thống, ít tiếp cận với hóa chất (do đắt tiền).
Tuy nhiên, từ lúc con người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu... cho cây tươi tốt, trái to căng bóng, không hư hại thì người tiêu dùng bắt đầu... cảnh giác. Ngay cả một số nhà vườn cũng không còn dám ăn rau, củ, quả do họ trồng mà thường để lại một miếng đất nhỏ trồng rau, củ, quả hữu cơ cho gia đình dùng. Tất nhiên, không phải ai cũng kém đạo đức, rất nhiều người có lòng nhiệt huyết với nông trại, cố gắng trồng rau, củ, quả "sạch" nhưng rồi thưa thớt dần vì đầu ra khó cạnh tranh với nông sản rẻ tiền.
Người tiêu dùng mong muốn được dùng trái cây sạch, an toàn cho sức khỏe (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Cũng cần nói thêm dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học không phải xấu, vì đó là cách để bảo vệ cây trái. Nhưng việc lạm dụng quá nhiều chất hóa học đã đẩy mặt hàng trái cây Việt sang hướng tiêu cực. Về phía cơ quan chức năng, dù làm tốt công tác quản lý, giám sát, kiểm tra nhưng khó kiểm soát tuyệt đối khi nhà nông trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ đại trà. Một điều nữa là mặt hàng trái cây nhập lậu, đi đường tiểu ngạch, kém chất lượng gắn mác Việt. Nói thẳng ra, chính người Việt hại người Việt.
Vừa qua, cơ quan chức năng huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã bắt hơn 8 tấn dâu tây Trung Quốc nhập lậu đem lên Đà Lạt giả dâu tây Đà Lạt. Theo Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Lâm Đồng), kết quả kiểm tra lô dâu tây bị tạm giữ đó có một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép. Cũng cần nhắc lại, trước đây từng có việc khoai tây Trung Quốc đem lên Đà Lạt trộn đất đỏ để giả làm khoai tây Đà Lạt rồi tung ra thị trường. Nếu không có sự tiếp tay của một vài người Việt thì hàng kém chất lượng, thậm chí độc hại đâu thể tung hoành như vậy.
Để trái cây Việt không bị tổn thương, tổn hại, cần nhất vẫn là đạo đức của người kinh doanh, lao động nghiêm túc, trách nhiệm của nhà nông. Song song đó, cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm để dần chấm dứt việc sử dụng hóa chất độc hại, vượt mức cho phép tác động vào rau, củ, quả.