Mùa hội nghị

Năm nào cũng vậy, cứ đến giữa tháng 10 là mùa hội nghị bắt đầu. Nhiều người nói vui rằng khoảng thời gian này là “nhà nhà hội nghị, ngành ngành hội nghị”.

Tại sao cuối năm bận bịu với bao nhiêu là việc phải làm để hoàn thành kế hoạch công tác năm, kiểm tra, báo cáo, tổng kết, bình xét đánh giá cán bộ, đảng viên... nhưng các ngành, địa phương vẫn “ưu tiên”, quan tâm việc tổ chức hội nghị đến vậy? Thực chất của vấn đề không chỉ đơn giản là tổ chức hội nghị theo chương trình, kế hoạch hoặc theo nhiệm vụ công tác... mà rất nhiều hội nghị chỉ là để giải ngân, giải quyết kinh phí đã được cấp từ đầu năm hoặc cấp đột xuất đang tồn ở các cơ quan, đơn vị mà chưa biết dùng sao cho hợp lý mà thôi!
 
img
Ảnh minh họa

Tôi có người bạn làm ở một phòng chuyên môn cấp huyện. Anh kể: Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 2 tháng cuối năm là cơ quan sắp xếp, bố trí thời gian đi dự hội nghị. Tiêu chí để lựa chọn hội nghị cũng rất đơn giản, không nhất thiết phải xem xét nội dung có quan trọng, vấn đề bàn thảo có cần thiết đối với bản thân, đơn vị mình hay không mà chủ yếu là hội nghị có chế độ hay không, cao hay thấp.

Nhiều cơ quan, đơn vị khi tổ chức các hội nghị chỉ chăm chăm mời càng được nhiều khách càng tốt. Lý do mời chủ yếu là nhằm có “cơ sở để quyết toán” chứ không vì mục đích thiết thực nào, đặc biệt là các hội nghị sử dụng ngân sách trung ương hoặc từ nguồn dự án có sự tài trợ thì khách mời lại càng “đa dạng”. Có ý kiến cho rằng không có gì dễ giải ngân, giải quyết kinh phí nhanh, gọn bằng cách tổ chức hội nghị. Ví dụ, nhiều trường hợp chỉ tổ chức hội nghị 1 ngày nhưng khi quyết toán lại lên đến 3 ngày, như vậy đã ăn không 2 ngày còn lại.

Tình trạng lãng phí này cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc để không gây lãng phí ngân sách và... làm hư hỏng cán bộ!