Những người mê nhậu: Say xỉn suốt, làm sao hội nhập

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, chắc chắn những nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc không sẵn sàng hòa nhập với các đối tác ăn nhậu của Việt Nam

Cứ nhìn tốc độ phát triển của các quán nhậu thì biết có lẽ không lĩnh vực kinh doanh nào ở Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh như kinh doanh liên quan đến ăn nhậu, từ quán cóc vỉa hè đến quán bar, vũ trường, nhà hàng sang trọng.

Người nước ngoài rất sợ nhậu

Những người nước ngoài khi được mời nhậu sẽ trả lời ngay lập tức: Không! Rất nhiều người phải làm 2-3 việc, nhậu nhiều sức đâu mà làm. Hơn nữa, đi làm thì phải lái xe, mà uống rượu lái xe ở nước ngoài sẽ bị coi như tội phạm. Nếu cảnh sát phát hiện người tham gia giao thông uống rượu bia thì sẽ tước bằng lái ít nhất 6 tháng. Nếu tái phạm thì bị đeo thẻ định vị vào chân, không được đi khỏi một khu vực nhất định. Tước bằng lái coi như thất nghiệp, không có tiền thì sống bằng gì? Vì vậy, người dân ở nhiều nước rất sợ nhậu.

Trong khi đó, Việt Nam là đất nước có nguồn gốc nông nghiệp, thói quen ăn nhậu đã thấm sâu vào một bộ phận người dân. Bây giờ, nông thôn được đô thị hóa, số lượng lao động di cư từ nông thôn lên thành thị cũng không ngừng gia tăng. Hoạt động văn hóa, giải trí còn hạn chế, nhiều công nhân lao động sau giờ làm việc chỉ biết tụ tập uống bia rượu; giới văn phòng cũng vậy, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, riết thành thói quen. Bạn mời mà không nhậu thì bị coi là không tôn trọng.

 

Nhậu được không ít người xem là cách để làm ăn, ký hợp đồng và tạo mối quan hệ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhậu được không ít người xem là cách để làm ăn, ký hợp đồng và tạo mối quan hệ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Phải có lý do khi các tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất thế giới. Điều này ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài và cả hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Sự phát triển của kinh tế, đời sống, xã hội của đất nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Mỗi năm, hàng ngàn người chết vì tai nạn giao thông; bao gia đình mất người thân vì chém giết, đánh nhau… sau những cuộc vui trên bàn nhậu. Chưa kể, hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng, những hậu quả mà bản thân người uống, gia đình và xã hội gánh chịu từ việc say xỉn.

Cần kiểm soát rượu, bia

Vậy mà thật lạ, ở Việt Nam, nhậu cũng là cách để làm ăn, ký hợp đồng và tạo mối quan hệ. Theo tôi, đây không phải là văn hóa vì văn hóa phải là cái gì tốt đẹp. Đây là thói quen xấu, tạo ảnh hưởng xấu cho đất nước, cho xã hội, cần sớm từ bỏ. Những hợp đồng làm ăn được ký kết trên bàn nhậu thông thường không thể hiện tính minh bạch và sớm hay muộn cũng sẽ có những hậu quả phát sinh, người làm ăn đàng hoàng rất ít khi ký kết hợp đồng trên bàn nhậu. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, liệu những nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc có sẵn sàng hòa nhập với các đối tác ăn nhậu của Việt Nam? Thật ra, hậu quả từ mê nhậu ai cũng thấy nhưng tật xấu không dễ bỏ. Muốn giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp từ gia đình, giáo dục và xã hội. Mỗi cá nhân phải thật sự có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Sự tôn trọng không phải đến từ việc uống được nhiều rượu, bia mà là cách sống, sự đóng góp cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, việc kiểm soát rượu bia cần được thực hiện nghiêm túc; kiểm tra gắt gao những quảng cáo, khuyến mãi rượu, bia và đồ uống có cồn; đồng thời có những quy định cụ thể về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian, không gian; quy định nhằm hạn chế tình trạng uống nhiều và say rượu bia đối với người lớn, đặc biệt là tại cộng đồng và trong gia đình…

Ở nhiều nước tiên tiến, người bán rượu, bia luôn kiểm tra độ tuổi của người mua (tối thiểu phải 21 tuổi mới được mua và phải có giấy tờ chứng minh). Khi người dân vào bar cũng vậy, sẽ có bảo vệ chặn kiểm tra ngay từ cửa, không đủ tuổi thì không được vào. Nếu cảnh sát thấy một người có biểu hiện say rượu sẽ kiểm tra ngay lập tức. Nếu cảnh sát chặn xe và phát hiện có rượu, bia để trong tầm tay, không cần biết uống chưa, chai còn nguyên nắp hay không, vẫn sẽ bị phạt rất nặng.

 

Bạn có thể được tung hô trên bàn nhậu nhưng nếu xảy ra tai nạn, những người vừa tung hô, ép uống có nuôi bạn cả đời khi bạn mất sức lao động; có lo cho người thân bạn, nếu bạn mất đi?