Tiêu cực xe quá tải: Phải tìm ra người "bảo kê"

(NLĐO) - Sau loạt bài điều tra của Báo Người Lao Động, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quân xử phạt hàng trăm xe chở quá tải, cơi nới thùng hàng, chạy quá tốc độ..., nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng vi phạm sao không phạt, đợi báo chí lên rồi mới ra quân, sẽ làm được bao lâu hay đâu lại vào đấy!

Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xử phạt gần hơn 200 xe tải sau loạt bài điều tra của Báo Người Lao Động. Bạn đọc Dương Văn Tuấn thắc mắc: Khi có bài phóng sự điều tra của báo, cơ quan chức năng mới ra tay và đã phạt gần hơn 200 xe vi phạm. Vậy thời gian qua, cơ quan chức năng ở đâu, làm gì?

Nhiều bạn đọc đã lên tiếng nghi ngờ về vụ việc này: "Liệu có duy trì được thường xuyên, hay đâu lại vô đó?"

Tiêu cực xe quá tải: Phải tìm ra người bảo kê - Ảnh 1.

Dư luận cho rằng không có “bảo kê” thì tình trạng vi phạm giao thông của cánh xe tải không thể liều lĩnh, ngang nhiên như hiện nay.

Bạn đọc Thanh Sang nêu ý kiến: Kiểu tiêu cực này là trực tiếp phá hoại cơ sở hạ tầng giao thông (là tài sản quốc gia), gây hiểm họa tai nạn giao thông cho người dân. Đề nghị Quốc hội bổ sung tội nhận và đưa hối lộ liên quan đến những kiểu tiêu cực trong giao thông như đã nêu vào tội hình sự. Bạn đọc Hải Hà cũng cùng quan điểm và cho rằng: Cần phải khởi tố chủ xe, lái xe, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông có liên quan đến tình trạng "bảo kê" trong giao thông.   Bạn đọc Chau cũng trăn trở "Tình trạng "bảo kê" trong giao thông xảy ra đã lâu, kéo dài thường xuyên khắp các tỉnh, thành trên cả nước gây ra biết bao thảm họa. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh những đối tượng đã "bảo kê" để các xe quá tải, quá khổ, chạy như "hung thần" trên đường phố; phải chấm dứt tình trạng này nhằm sớm mang lại cuộc sống yên bình cho người dân, tạo sự công bằng cho giới lái xe đàng hoàng".

Bạn đọc Công Thành thì đề xuất giải pháp mới để "hóa giải" vấn nạn như sau: Cơ quan chức năng cần sớm xem xét đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể cấp QR code cho tất cả các xe khi đăng kiểm, công khai thông tin kỹ thuật xe, đặc biệt là tải trọng đối với xe ben, xe hàng và số chỗ ngồi cho phép đối với xe khách… Mã này khi quét sẽ truy cập vào cổng thông tin điện tử Đăng kiểm của Bộ GTVT, với các thông tin như BKS, loại xe, thông số kỹ thuật tải trọng, chiều cao thùng xe đối với xe chở hàng, số chỗ ngồi cho phép chở hành khách… Hiện nay, gần như mọi người dân đều sử dụng Smartphone và 4G. Như vậy, bất kỳ ai cũng có thể chụp và kiểm tra QR code để biết có tiêu cực, sai phạm hay không.

"Không có "bảo kê" thì tình trạng vi phạm giao thông của cánh xe tải không thể liều lĩnh, ngang nhiên như vậy. Vấn đề là ai "bảo kê", ai sẽ tìm ra người "bảo kê"?. Vấn nạn tiêu cực này xảy ra đã lâu, cơ quan chức năng nên "nhìn thẳng" mà xử lý, đừng bao che nữa"- nhiều bạn đọc kiến nghị.