“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn

(NLĐO) - Qua hơn 100 năm tồn tại, Ngọc Sơn công chúa từ - phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (1886-1905) vẫn giữ được những giá trị cốt lõi với bao điều thú vị

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 1.

Một góc phủ thờ công chúa Ngọc Sơn - Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Lập phủ thờ người vợ quá cố

Công chúa Ngọc Sơn là con gái vua Đồng Khánh (1864-1889) và là em vua Khải Định (1885-1925). Bà kết hôn với Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn - con trai Đông các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, đại thần triều Nguyễn. Tuy là cuộc hôn phối được sắp đặt nhưng họ thương yêu nhau sâu đậm. Tiếc thay, công chúa mất sớm vì bạo bệnh khi mới 19 tuổi, chỉ sinh được người con gái duy nhất.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 2.

Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đặt tên ngôi nhà của mình là phủ thờ công chúa Ngọc Sơn để luôn gợi nhớ đến người vợ đã khuất - Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Công chúa Ngọc Sơn được chôn cất trong khu đất gia đình gần lăng vua Đồng Khánh - nay thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế. Suốt 1 năm sau khi công chúa qua đời, phò mã luôn cận kề bên mộ phần vợ để tự tay chăm sóc.

Sau khi mãn tang vợ, theo nguyện vọng của công chúa Ngọc Sơn lúc sinh thời, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn - khi ấy mới ngoài 20 tuổi - kết hôn với quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân. Quận chúa này là con gái Kiên quận công Nguyễn Phước Ưng Quyến - em trai vua Đồng Khánh.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 3.

Đây từng là nơi ăn ở của gia đình phò mã Nguyễn Hữu Tiễn - quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân - Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Đến năm 1921, để thuận tiện đi lại, phò mã đã mua mảnh đất vốn là nơi hoạt động của một gánh hát. Ông đã cho thiết trí khu vườn rộng gần 2.400 m2 này và đặt tên là Ngọc Sơn công chúa từ để thờ phụng người vợ đầu và những người thân đã quá vãng. Đây cũng là nơi ăn ở của gia đình phò mã - quận chúa.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 4.

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn với những loại cây cho quả ngọt 4 mùa - Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Kiến trúc sư (KTS) Phan Thuận Ý, cháu gọi phò mã - quận chúa là cố ngoại và là con gái nhà nghiên cứu Phan Thuận An, cho biết lâu nay, nhiều người thường lầm tưởng công chúa Ngọc Sơn từng sống ở đây, sau khi bà mất thì nơi này chuyển thành phủ thờ. Tuy nhiên, công chúa mất năm 1905, còn phủ thờ được xây năm 1921. Vì sự yêu thương gắn bó trước đây, phò mã đã quyết định đặt tên ngôi nhà của mình là phủ thờ công chúa Ngọc Sơn để luôn gợi nhớ đến bà.

Những điều khác lạ

Các phủ đệ ở Huế có kiến trúc đặc trưng cung đình, cổng - bình phong - nhà chính được bố trí trên một trục thẳng, đăng đối, song Ngọc Sơn công chúa từ lại không như vậy. Bình phong được thay thế bằng hòn non bộ khá lớn. Chiếc cổng tam quan nhỏ nhắn ban đầu cũng được thay thế đơn giản hơn từ thập niên 1950 bằng 2 trụ cổng.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 5.

Con đường vào phủ thờ công chúa Ngọc Sơn quanh co với hàng chè tàu xanh mướt. Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Con đường với 2 hàng chè tàu uốn lượn từ cổng vào sân bắt đầu từ phía sau nhà cũng là điều hiếm thấy ở các nhà vườn xứ Huế, vốn luôn có lối đi thẳng tắp. Khu vườn ban đầu cũng có lối đi thẳng dài khoảng 30 m, rồi rẽ phải vào sân. Đến năm 1952, khi quận chúa mất, gia đình an táng bà trong vườn. Thầy địa lý thời ấy đã chọn vị trí đặt mộ phần quận chúa nằm cuối con đường dẫn vào sân. Để có không gian yên tĩnh cho người đã khuất, con cháu đã nắn đường vào phủ trở nên quanh co như hiện nay.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 6.

Du khách tham quan và nghe kể chuyện ở phủ thờ công chúa Ngọc Sơn - Ảnh: Gia đình cung cấp.

Hòn non bộ khá lớn - với vai trò là bình phong, cách nhà chính một khoảng sân rộng - hiện vẫn được giữ nguyên. Nó được thiết trí kỳ công, thể hiện đất nước ta thu nhỏ với dãy Trường Sơn nhấp nhô, trên đó có 3 công trình tượng trưng ba miền (chùa Một Cột ở miền Bắc, tháp Phước Duyên - chùa Thiên Mụ ở miền Trung và Tháp Mười ở miền Nam), cùng bể cạn nhỏ phía trước là biển Đông. Hòn non bộ có 4 loại cây mai - lan - cúc - trúc tượng trưng cho 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, diễn tả dòng chảy của thời gian. Các tảng đá được chọn lọc kỹ càng dựa vào hình dáng các con vật như voi, hổ, rùa, cá sấu…

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 7.

Hòn non bộ khá lớn hiện vẫn được giữ nguyên - Ảnh: Gia đình cung cấp.

So với nhiều phủ đệ khác thì Ngọc Sơn công chúa từ vẫn còn tương đối nguyên vẹn; được con cháu thường xuyên chăm sóc, tôn tạo. Khu vườn có nhiều loại cây như dừa, nhãn, vú sữa, trứng gà…, vừa cho quả vừa tạo bóng mát; có nhiều bonsai giá trị, nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc; có những thảm cỏ xanh mướt, lũy tre ở cuối vườn hay hàng chè tàu quanh nhà…

Nhiều du khách tỏ ra ngạc nhiên, vì sao ngôi nhà chính của phủ thờ lại không quay mặt ra đường lớn để thuận tiện trong sinh hoạt mà lại xoay về hướng Tây - vốn ít được chọn? KTS Phan Thuận Ý đã dày công tìm hiểu và cho rằng việc chọn hướng công trình được chi phối bởi thuật phong thủy.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 8.

Căn nhà phủ thờ công chúa Ngọc Sơn xoay mặt về hướng Tây - Ảnh: Quang Tám.

Theo đó, các thầy địa lý ngày xưa đã chú ý yếu tố mặt nước ở cuộc đất này. Có thể con sông nhỏ tự nhiên xưa kia ở khu vực này đã thay đổi dòng chảy trong quá trình xây dựng Kinh thành Huế, cạn dần rồi bị bồi lấp, trở thành những chiếc ao nhỏ. Thế nhưng, mạch nước ngầm vẫn luôn hoạt động để giữ nguồn nước trong ao không tù đọng. Ao nước tự nhiên này là yếu tố quyết định hướng chính của ngôi nhà. Các yếu tố nhân tạo còn lại dần dần được thiết trí để có được một tổng thể hoà hợp.

Nghĩa tình, nhân văn, đạo lý

Công trình kiến trúc chính của Ngọc Sơn công chúa từ là một tòa nhà kép lợp ngói liệt, được trùng tu theo nguyên bản vào năm 2017. Công trình này bao gồm tiền đường 3 gian, hàng cột hiên bằng gạch trát vữa, quét vôi màu vàng. Chính đường là ngôi nhà 3 gian 2 chái, khung sườn bằng gỗ, kết cấu tường gạch chịu lực.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 9.

Du khách tham quan và nghe kể chuyện ở phủ thờ công chúa Ngọc Sơn - Ảnh: Gia đình cung cấp.

Kiểu kiến trúc ảnh hưởng phương Tây khá phổ biến ở các công trình tại Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX. Song, không gian bên trong vẫn được bố trí theo truyền thống người Việt, với gian chính dùng làm nơi thờ tự; các gian hai bên làm thư viện, đặt tủ trưng bày cổ vật; 2 chái hai bên là nơi sinh hoạt riêng của gia chủ. Bên trong ngôi nhà vẫn còn nhiều hoành phi câu đối chữ Hán thếp vàng, được trang trí dọc các cột và trên trần nhà.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 10.

Không gian bên trong được bố trí theo truyền thống người Việt - Ảnh: Quang Tám.

KTS Phan Thuận Ý cho biết ban đầu, công trình chỉ có chính đường với hệ cửa bản khoa phía trước. Về sau, khoảng những năm 1940, để mở rộng không gian sinh hoạt, gia đình đã xây thêm phần tiền đường với hệ cửa "trong kính ngoài chớp" như hiện nay.

Khu vực tiền đường có 3 bộ bàn ghế bằng gỗ để học tập, làm việc hoặc tiếp khách. Nhiều du khách bị cuốn hút bởi chiếc bàn gỗ ngay sau cửa chính, vốn được Đức Từ cung – thân mẫu vua Bảo Đại tặng gia đình trong một dịp đại hỷ. Mặt bàn làm bằng gỗ nguyên khối với đường kính 1,32 m, dày 3,5cm, được chạm khắc và khảm xà cừ rất tinh xảo. Bên dưới là chân bàn vững chãi với 3 con lân nhỏ hướng ra 3 phía rất sinh động.

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 11.

Khu vực tiền đường có 3 bộ bàn ghế bằng gỗ để học tập, làm việc hoặc tiếp khách - Ảnh: Quang Tám.

Phía trên gian giữa chính đường là bức hoành phi thếp vàng với tuổi đời hơn 100 năm nhưng vẫn trông như mới, ghi 4 chữ Hán "Thế - Đốc - Trung – Trinh" (nghĩa là: Người suốt đời dốc hết lòng với vua và sống rất trong sáng). Cũng như những câu đối trong nhà, bức hoành phi được các đồng môn khắc tặng phò mã như một món quà tân gia khi ngôi nhà hoàn thành năm 1921. 

Không gian thờ tự ở gian giữa được bố trí theo nguyên tắc "tiền Phật hậu linh". Khu vực cuối cùng là các án thờ bằng gỗ với bài vị mẹ công chúa (Tiệp dư Hồ Thị Quy) và một số anh chị em của bà. "Điều này cho thấy trách nhiệm và nghĩa tình của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn với những người thân của công chúa, thể hiện tính nhân văn của những người có đạo lý, một nét văn hoá của dân tộc Việt Nam" - KTS Phan Thuận Ý nhìn nhận.

Lưu giữ nhiều kỷ vật

Ngọc Sơn công chúa từ hiện vẫn còn lưu giữ khá nhiều kỷ vật của gia đình, như: Huy chương do vua Khải Định ban tặng; bộ xăm hường bằng xương cùng chiếc bát sứ ký kiểu đời nhà Thanh - Trung Hoa; nghiên mực quý bằng pháp lam; chiếc hốt mà các quan cầm trên tay lúc thiết triều ở điện Thái Hòa; chiếc thẻ đồng mà triều đình cấp cho các quan khi tham gia trồng thông ở đàn Nam Giao; hộp khay mứt bằng tre chạm trổ khéo léo...

“Bí mật” phủ đệ xứ Huế: Khám phá nơi thờ công chúa Ngọc Sơn- Ảnh 12.

Hộp đựng mứt làm bằng tre được chạm trỗ tinh xảo - Ảnh: Quang Tám

Ngọc Sơn công chúa từ còn có nhiều bộ sách quý, tranh ảnh, tư liệu liên quan đến triều Nguyễn được nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm. Chúng được các thế hệ trong gia đình gìn giữ cẩn thận, góp phần bảo tồn di sản văn hóa Huế và giới thiệu đến công chúng.