Cần chiến lược đón khách Trung Quốc
Nhu cầu tìm kiếm các điểm đến ở Việt Nam từ Trung Quốc đang tăng vọt về trước khi COVID-19 bùng phát
Theo dữ liệu của nền tảng du lịch trực tuyến Agoda vừa công bố, lượng tìm kiếm từ Trung Quốc đến Việt Nam trong dịp Tết Giáp Thìn vừa qua gần phục hồi so với trước khi có đại dịch. Trong tháng 1-2024, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy khách Trung Quốc tới Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, sau khi vươn lên vị trí thứ 2 trong số các thị trường khách quốc tế lớn nhất năm 2023.
Dẫn đầu các thị trường khách
Dữ liệu của Agoda cho thấy Việt Nam là điểm du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc đầu năm 2024. Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉ lệ khách Trung Quốc quan tâm du lịch đến Việt Nam vào năm 2024 đạt 95% so với 2020 - thời điểm trước khi những hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 được áp dụng.
Theo ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda tại Việt Nam, khách Trung Quốc đại lục chiếm gần 1/3 tổng số du khách của Việt Nam năm 2019 và mang lại nguồn thu du lịch lớn nhất. "Năm 2020, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về tìm kiếm các thông tin du lịch ở Việt Nam. Du khách nước này lựa chọn Việt Nam vì nền văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Tuy nhiên, đại dịch bùng phát sau đó và lệnh đóng cửa biên giới đã khiến lượng khách đến Việt Nam giảm sút đáng kể. Sau khi mở cửa lại, mức độ tìm kiếm của năm 2022 và 2023 chỉ đạt 3% so với năm 2020. Do đó, sự quan tâm trở lại của du khách Trung Quốc đại lục gần đây là dấu hiệu về tiềm năng du lịch Việt Nam trong năm nay" - ông Vũ Ngọc Lâm nói.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 1-2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 73,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách Trung Quốc dẫn đầu với hơn 242.000 lượt, tăng mạnh so với tháng trước. Còn trong năm 2023, Việt Nam cũng đón hơn 1,74 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 376% so với năm trước đó.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc Quỹ đầu tư Vina Capital, nhận định khả năng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong năm 2024 (đã đạt mức 30% giai đoạn trước COVID-19 vào năm ngoái).
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tức bằng thời điểm năm 2019. Muốn đạt con số này hoặc cao hơn, cần nhìn vào những thị trường trọng điểm cung cấp nguồn khách tới Việt Nam thời gian qua.
Với thị trường khách Trung Quốc, dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và chính sách của nước này cho thấy năm nay, người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài sẽ có sự đột biến. Chỉ riêng tháng 1-2024 đã có khoảng 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc du lịch nước ngoài. Trung bình mỗi năm có khoảng 120 triệu lượt người dân nước này đi nước ngoài.
"Sau năm 2023, cùng với tăng trưởng du lịch nội địa, người dân Trung Quốc sẽ đi nước ngoài nhiều hơn và Việt Nam là điểm đến có nhiều tiềm năng vì thuận tiện cả về đường bộ, đường hàng không, đường sắt...
Khách Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy du lịch các nước phục hồi, trong đó có Việt Nam, nếu có chiến lược phù hợp. Ngành du lịch cần chính sách rõ ràng, có mục tiêu cụ thể sẽ đón bao nhiêu khách của từng nước, vùng lãnh thổ, từ đó xây dựng kế hoạch, hành động ngay để không chậm chân" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Xem xét miễn visa cho khách Trung Quốc
Hiện các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singpaore… đều đặt mục tiêu đón khách quốc tế cụ thể, bao gồm khách Trung Quốc với kế hoạch và chiến lược bài bản. Đơn cử, Thái Lan năm nay muốn đón 36 - 38 triệu lượt khách quốc tế và mục tiêu đón 10 - 11 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng gấp đôi năm ngoái.
Ông Đặng Mạnh Phước, CEO của The Outbox Company, phân tích các dự báo từ nhiều tổ chức quốc tế cho thấy khách Trung Quốc sẽ trở lại và nhanh chóng trở thành thị trường nguồn khách lớn của Việt Nam. Việc đặt vấn đề chiến lược đón khách Trung Quốc thời điểm này có thể hơi muộn cho năm nay nhưng vẫn cần thiết cho thời gian tới.
"Khách Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà cả nhiều nước Đông Nam Á khác, nên cạnh tranh điểm đến là rất lớn, đòi hỏi ngành du lịch cần có chiến lược, chính sách đón khách phù hợp mà đầu tiên là cân nhắc miễn visa. Sau COVID-19, nhu cầu, thị hiếu của khách Trung Quốc cũng thay đổi nên cần những sản phẩm phù hợp. Nhóm khách du lịch trẻ, ưa đi tour tự túc, ưu tiên điểm đến đẹp… nên cần đầu tư về quảng bá, truyền thông nhiều hơn là tour giá rẻ, tour 0 đồng như trước đây" - ông Đặng Mạnh Phước nói.
Xem xét miễn visa cho khách Trung Quốc là một đề xuất được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đề cập trong chiến lược đón khách từ thị trường này. Thái Lan và một quốc gia khác đã áp dụng chính sách này để tăng cạnh tranh về điểm đến. Việt Nam có nhiều lợi thế đón khách Trung Quốc như vị trí gần, văn hóa tương đồng, nhiều điểm đến đẹp, dịch vụ mua sắm, lưu trú, ăn uống... phù hợp với nhu cầu và phân khúc khách trung cấp từ thị trường này.
Ông Phan Đình Huê, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết sau giai đoạn khuyến khích du lịch nội địa, khách Trung Quốc sẽ đi nước ngoài nhiều hơn trong năm 2024 và sẽ là thị trường quan trọng nhất của nhiều nước.
"Chiến lược đón khách Trung Quốc bên cạnh chính sách visa, có thể nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đón khách bằng đường tàu hỏa, tàu biển cùng với hàng không và đường bộ. Khách Trung Quốc có đặc điểm hơi ồn ào nên có thể xây dựng những khu vực riêng để phục vụ phân khúc khách này, như quy hoạch mềm các tuyến phố đặc trưng đón khách Trung Quốc, vừa không ảnh hưởng những dòng khách truyền thống như châu Âu, Mỹ..." - ông Phan Đình Huê nói.
Mùa cao điểm của khách quốc tế châu Âu, Mỹ thường từ tháng 9, 10 tới tháng 3, 4 năm sau. Những giai đoạn còn lại thường vắng khách, nhất là những điểm đến ở miền Bắc. Nếu đón được khách Trung Quốc có thể giúp những cơ sở lưu trú, khách sạn 3-4 sao ở miền Bắc đạt công suất phòng, duy trì hoạt động kinh doanh trong cả năm…
Tăng khả năng chi tiêu của khách
Dữ liệu của Agoda cho thấy TP HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng và đảo ngọc Phú Quốc là những lựa chọn hàng đầu của du khách Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết Trung Quốc luôn là một trong những thị trường có lượng khách lớn đến thành phố thời gian qua. Thị trường này luôn được thành phố chú trọng quảng bá, xúc tiến, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ để tăng khả năng chi tiêu, mua sắm của du khách.