Cần lên án những kiểu đùa vô tâm
Nhạy bén với thời sự nhưng phải tỉnh táo, đừng để biến thành người sử dụng mạng xã hội vô cảm, nhẫn tâm chỉ vì thiếu hiểu biết
Gần đây, trend (trào lưu, xu hướng) "thùng xốp" tràn lan trên các trang mạng xã hội, trở thành trò đùa vui của một bộ phận giới trẻ. Đáng nói là trend này bắt nguồn từ các vụ án giết người nghiêm trọng rồi phi tang, bỏ thi thể vào thùng xốp.
Vô tâm, quái dị
Lướt một vòng các ứng dụng mạng xã hội, không khó bắt gặp hàng loạt bài đăng, bình luận cùng những hình ảnh, video… có nội dung được biến tấu, kiểu: Nếu không yêu thì thùng xốp; Tình yêu đong đầy bằng 2 chữ thùng xốp; 1 là yêu, 2 là thùng xốp, 3 là sông Hồng…
Một chủ tài khoản TikTok còn đăng tải hàng loạt video về tình yêu, trong đó có phần "Cách yêu để vào thùng xốp" hay video "Thanh niên tỏ tình người yêu bằng thùng xốp và cái kết"… thu hút hàng triệu lượt xem, hàng ngàn bình luận, chia sẻ… và nhanh chóng lên xu hướng, thịnh hành.
Không ít bình luận đùa cợt với những từ ngữ ẩn dụ phản cảm hoặc gắn thẻ người khác như đang nhắn nhủ, hù dọa. Với những bình luận tò mò vì chưa biết về trend này, ngay lập tức sẽ có nhiều tài khoản mạng xã hội vào giải thích bằng từ ngữ, chia sẻ hình ảnh, tin tức, video các vụ án liên quan về nguồn gốc của "trend thùng xốp".
"Tôi thật sự không hiểu vì sao những vụ án thương tâm lại bị đem ra làm trò đùa một cách nhẫn tâm, vô cảm như vậy? Mỗi vụ án đều để lại nỗi đau không gì bù đắp được cho gia đình nạn nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, tâm lý xã hội.
Khơi lại dù dưới góc độ nào cũng làm người liên quan thêm một lần đau, sao lại lấy đó làm trò cười? Lương tâm ở đau? Tình người ở đâu? Việc này chẳng khác gì lan truyền, phổ biến cái ác, cái xấu" - chị Lê Ngọc Ý, sinh viên ở TP HCM, bức xúc.
Nghiêm túc nhìn nhận vấn đề
Anh Trần Thế Thuận, nhân viên văn phòng, cho rằng những trào lưu xấu, vô bổ trên mạng xã hội thường dễ thu hút sự chú ý của người dùng. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đã và đang bị chính một số người sử dụng coi nhẹ.
"Để làm sạch mạng xã hội, đòi hỏi sự tham gia từ cả các cơ quan quản lý lẫn người dân. Cụ thể, cơ quan chức năng cần tăng cường nhân sự cho các lực lượng tham gia quản lý nội dung trên mạng xã hội để nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật; tăng cường các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Về phía người sử dụng mạng xã hội, cần có trách nhiệm tìm hiểu, trau dồi, bổ sung kiến thức văn hóa, pháp luật, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia môi trường mạng để không vô tình biến mình thành người vô cảm, nhẫn tâm" - anh Thuận nêu ý kiến.
Theo thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Sư phạm TP HCM, việc tạo và sử dụng trend không xấu nếu biết chọn lọc.
"Người dùng mạng xã hội phải biết lên án những nội dung tiêu cực, phản cảm; không lan truyền những clip, những phát ngôn mà mình không hiểu hết hoặc liên quan những vấn đề nghiêm trọng, những vụ án man rợ, những phát ngôn, hành vi phản cảm…
Dù chỉ là trò đùa cho vui nhưng sẽ để lại không ít hệ lụy, khiến tư duy lệch lạc, từ đó sẽ có những hành động, ứng xử vô tâm, giải quyết các vấn đề mang tính chất bạo lực" - thạc sĩ Võ Minh Thành nhìn nhận.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, phân tích cụm từ "thùng xốp" đã phổ biến đến mức người đọc, nghe, xem có thể hiểu ngay ý nghĩa ám chỉ nên trở thành nội dung mang tính tiêu cực, độc hại. Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, không bắt chước, nói theo những bài viết, ảnh chế, clip mang tính chất tiêu cực.
Hành vi đăng tải, chia sẻ, thực hiện những nội dung mang tính kích động, tiêu cực, độc hại ảnh hưởng xấu đến xã hội có thể bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.