Trên trời và dưới đất

Cho dù đã gỡ bỏ quy định “thả rông” song Dự thảo Nghị định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” do Bộ Công an chủ trì xây dựng vẫn tiếp tục gây gây xôn xao dư luận bởi những quy định được cho là “trên trời”.

Bỏ quy định xử phạt 100.000- 200.000 đồng với những ai "thả rông", không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi công cộng đông người song dự thảo vẫn còn khá nhiều quy định được cho là không thực tế, thiếu khả thi. Đó là phạt đến 1 triệu đồng nếu vợ có hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (hoặc ngược lại) hoặc phạt 1-1,5 triệu đồng nếu chồng có hành vi chửi bới, chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình... Thậm chí, không cho cha mẹ, con cái đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình... cũng phải đối mặt với việc bị phạt 100.000 - 300.000 đồng.

Nhìn vào những quy định này có thể thấy ngay rằng tính khả thi của chúng cũng chẳng khá hơn là mấy so với quy định "thả rông" đã bị gỡ bỏ. Trên thực tế thì đã có ai đi tố cáo, kiện cáo với cơ quan công quyền việc mình bị vợ (chồng) kiểm soát thu nhập; lăng mạ, chì chiết hoặc không cho xem tivi? Mà nếu có cũng phải tranh luận về việc như vậy là đã bị kiểm soát thu nhập, lăng mạ hay chì chiết hay không, ở mức độ nào...

Những quy định như vậy làm gợi nhớ tới những quy định được cho là "trên trời" buộc phải hủy bỏ như "thịt 8 giờ" hay rất nhiều quy định dù ban ra song lại chẳng mảy may đi vào cuộc sống như chó mèo "chính chủ", vệ sinh thức ăn đường phố, hút thuốc lá ở nơi công cộng...

Đã có rất nhiều quy định, chế tài để điều chỉnh các hành vi trong thực tiễn cuộc sống bị người dân và dư luận phản ứng hoặc có ban hành cũng không hiệu lực trên thực tế. Nguyên nhân chính được cho là thiếu cả thực tế lẫn khả thi.

Thế nhưng, nếu xét kỹ lại thấy rằng không ít quy định "trên trời" thực ra lại cần thiết và hữu ích trong cuộc sống. Thịt chỉ được bán trong vòng 8 giờ, cơm bình dân phải bảo đảm vệ sinh, không hút thuốc ở nơi công cộng... hoặc vợ chồng không được đối xử tệ với con cái, cha mẹ nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì quá tốt, ai chẳng mong được như thế.

Vậy tại sao người dân và dư luận vẫn phản ứng? Những quy định đó thực ra không những "trên trời" mà rất gần, rất sát và rất cần cho cuộc sống. Song, chúng không thể đi vào cuộc sống do không được thực thi nghiêm túc. Nếu cứ phì phèo thuốc lá nơi công cộng hay thức ăn không được che đậy là bị phạt thì thử hỏi còn dám hút thuốc nơi công cộng hay không đảm bảo vệ sinh thức ăn đường phố? Nếu làm được như vậy thì ai chẳng mong muốn?

Nói cách khác, chính hiệu năng yếu kém của các cơ quan hữu trách trong bộ máy quản lý từ Trung ương tới địa phương đã biến những quy định vốn cần thiết và hữu ích cho cuộc sống thành các quy định "trên trời".