Trực tiếp và gián tiếp

Sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Hồ Chủ tịch họp Chính phủ lâm thời (3-9-1945) nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, trong đó đề nghị tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để có một Chính phủ của dân, do dân thành lập- Chính phủ hợp hiến.

Sự thành lập bộ máy Nhà nước do tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Nhà nước của dân tộc ta. Thực hiện tổng tuyển cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu chính là thực hiện dân chủ trực tiếp. Đây chính là một cột mốc, một dấu son đánh dấu sự hình thành nền chính trị dân chủ của Nhà nước ta.

Chính sách đề cử, bầu cử, ứng cử, tự ứng cử là vấn đề cốt tử của tính dân chủ hợp hiến để xem xét việc hình thành bộ máy Nhà nước. Tự do hay hạn chế, bình đẳng hay phân biệt, giả hay thật... là những chuẩn mực của việc xem xét một bộ máy chính quyền thật sự là của dân, do dân thành lập hay không.

Hiện cả nước đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội (QH) khóa XII. Công đoạn hiệp thương về bản chất là cử tri ủy thác cho MTTQ thực hiện dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện). Trong thực tế, dân chủ trực tiếp bao giờ cũng cao hơn dân chủ gián tiếp. Vấn đề ở đây là làm sao để công đoạn hiệp thương thật sự dân chủ. Thiết nghĩ, muốn vậy cần phải xem việc phân bổ cơ cấu ứng cử viên cho các tổ chức thành viên chỉ mang tính chất hướng dẫn, không cứng nhắc áp đặt.

Có ý kiến cho rằng, cái thiếu nhất trong các nhiệm kỳ QH vừa qua là trì trệ. Tại sao cử tri nơi đơn vị công tác của ứng cử viên không làm một cuộc trắc nghiệm nhỏ về khả năng hiểu, nắm bắt, giải thích, bình luận và xây dựng pháp luật của các ứng viên tiềm năng? Chính cử tri tại đơn vị công tác và cộng đồng dân cư nơi ứng viên thường trú là những người đại diện cho toàn thể cử tri trong đơn vị bầu cử tiến hành bỏ lá phiếu đầu tiên (vòng 1) để làm cái công việc “sơ tuyển”, đại diện chọn ra danh sách những người xứng đáng để toàn dân bầu. Để bổ sung những khiếm khuyết mà công đoạn hiệp thương không bao quát hết, mọi tầng lớp cư dân trong cộng đồng cần mở rộng và khuyến khích tự do ứng cử.

Để dân chủ gián tiếp không làm giảm chất lượng của dân chủ trực tiếp thì phải làm thật tốt công đoạn hiệp thương. Thật ra, đến nay vẫn không có một hình thức nào có thể thay thế hiệp thương chọn danh sách ứng cử viên để toàn dân bầu cử, để bảo đảm thực hiện dân chủ cho mọi người, dân chủ trong trật tự. Thiết nghĩ, khi học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nên nghiêm túc học tập tấm gương luôn luôn đề cao dân chủ của Người. Trong bài viết Ý nghĩa của tổng tuyển cử, Người nhấn mạnh: Trong tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử- không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân VN thì đều có hai quyền đó.