Tưởng lợi, hóa ra bị hành!

Tôi có cô em họ làm công nhân may ở quận Thủ Đức - TPHCM. Mới đây, cô ấy cho biết năm nay sẽ không mua sắm Tết vì lý do nghe qua tưởng lãng xẹt nhưng cũng giật mình: Không dám rút tiền, sợ máy nuốt thẻ ATM.

“Mấy người trọ cùng phòng bị như vậy rồi, chỉ biết khóc hu hu, chẳng biết lấy tiền đâu tiêu Tết...” - cô em họ kể.

Công ty của cô ấy vừa chi trả lương qua thẻ mấy tháng nay. Đến ngày có lương, thay vì vui thì lại... căng thẳng đủ thứ, nào là chạy tìm buồng ATM, ngại phải xếp hàng lâu, trễ giờ tăng ca; nào là lo máy hết tiền, sợ thao tác sai và bị nuốt thẻ... “Thẻ có tiền đem về quê cũng đâu có máy mà rút. Rút nhiều, xài nhiều, bị trừ phí nhiều..., có được chi đâu!” - nữ công nhân này ta thán.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người, nhất là công nhân nhà máy, giáo viên tại các tỉnh lẻ... được chi trả lương qua thẻ ATM. Nhiều bạn bè tôi là giáo viên cũng gặp phải những tình huống cười ra nước mắt kiểu như vậy. Có người dạy học ở huyện Ea Kar - Đắk Lắk phải đạp xe xuống tận Buôn Ma Thuột cách đó vài chục cây số mới rút được tiền; trên đường về bị va quệt xe, phải vào viện. Khổ thân!

Tôi cũng là “nạn nhân”. Quê tôi là một huyện đồng bằng ở khu trung tỉnh Quảng Nam. Trung tâm hành chính huyện lỵ phát triển khá, ngân hàng không thiếu. Vậy mà, cầm cái thẻ ATM của ngân hàng V. chạy khắp các buồng ATM ở đó vẫn không rút được tiền, khi thì tiền hết, khi thì máy hỏng, kể cả các buồng ATM “xài ké” cũng kẹt. Một chiếc thẻ khác, của ngân hàng E. thì lại “bi kịch” hơn vì tiền lương, thưởng dồn hết vào đó nhưng tìm đỏ mắt mà không ra buồng ATM nào tương thích. Bà chị tôi biết chuyện, nói: “Thôi, dẹp cái a tê em” đó đi. Tiền mặt đây, cần thì cứ mượn”.

Thanh toán qua thẻ là xu hướng hiện đại, tất yếu, phù hợp với tình hình Việt Nam khi từ nhiều năm qua chúng ta đã chủ trương hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Và chiếc thẻ ATM đã trở thành công cụ tiện dụng đối với một bộ phận cư dân. Điều quan trọng là khi muốn công cụ này trở nên đại chúng thì phải làm sao cho người sử dụng được thuận lợi nhất. Nhưng thực tế đã cho thấy ngược lại. Không chỉ ở các tỉnh lẻ mà ngay tại đô thị lớn như TPHCM, người được chi trả cũng gặp rất nhiều phiền toái khi rút tiền, nhất là vào dịp Tết, lễ. Đây là một điều hết sức vô lý!

Trách nhiệm giải quyết thực trạng trên, trước tiên và không ai khác, chính là các ngân hàng. Tính đến cuối năm 2012, cả nước đã phát hành gần 50 triệu thẻ thanh toán các loại. Trừ đi khoảng 40% lượng thẻ không sử dụng, với khoảng 30 triệu thẻ đang giao dịch, hệ thống các ngân hàng đang vớ bở. Ngoài việc sử dụng nguồn tiền này vào các hoạt động tín dụng, các ngân hàng sẽ còn thu bộn từ phí giao dịch (từ ngày 1-3) qua thẻ. Kiếm được nguồn lợi lớn như thế, lẽ nào các ngân hàng quay lưng với khách hàng, đối tác của chính mình (?!)