“Vua” trên đường

Chuyện “xe vua” làm mưa làm gió ngay tại TP HCM đã được Báo Người Lao Động điều tra, phản ánh khá chi tiết với những bằng chứng nhức nhối.

Người dân đã cung cấp thêm cho báo nhiều thông tin quan trọng về các tập đoàn “xe vua” và chờ đợi sự xử lý quyết liệt từ lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP - đơn vị chủ quản của lực lượng thanh tra giao thông (TTGT). 

img
Sở GTVT TP HCM vẫn đang xác minh TTGT trả lại giấy tờ cho tài xế trong đoạn clip do PV Báo Người Lao Động quay được

Kết quả xử lý sẽ thể hiện phần nào quyết tâm của cơ quan quản lý trong chống tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ. Khi được Báo Người Lao Động hỏi về vụ này, ông Lê Vĩnh Phát, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, tỏ vẻ ngạc nhiên và ca ngợi một thanh tra viên (bị tố sai phạm) là “nổi tiếng liêm khiết”, “nghiêm túc” (!). Đối với việc dán logo “xe vua” để làm giấy thông hành, ông Phát khẳng định không có chuyện này, cũng chưa từng nghe báo cáo. Có ai làm bậy mà báo cáo bao giờ?! Rõ ràng, cấp trên đã thiếu sâu sát, để lực lượng dưới quyền tự tung tự tác.

Đội ngũ “xe vua” đã phát triển ít nhất thành 3 tập đoàn với hàng trăm chiếc, ngày ngày tung hoành trên những cung đường vốn đã quá tải ở TP HCM. Điều đó phần nào giải thích vì sao tiêu cực trong lĩnh vực GTVT không giảm, thậm chí biến tướng tinh vi; còn số vụ TNGT chết người có xu hướng gia tăng. Sai thì bị phạt, đúng... cũng bị phạt nên các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải móc nối với lực lượng thanh - kiểm tra, xin một chân trong tập đoàn “xe vua” và mỗi tháng, một xe tải lớn phải chung chi 2 triệu đồng, một xe tải nhỏ chung 1 triệu đồng mới được dán logo trước đầu xe làm ám hiệu để TTGT phân biệt mà tha cho!

Những khoản bất minh ấy sẽ được bên chung chi cộng dồn vào chi phí vận tải hàng hóa, tức là giá thành sản phẩm sẽ tăng phi quy luật, kéo theo chi phí cuộc sống sẽ tăng. Ví tiền của người tiêu dùng nói chung sẽ bị đánh cắp một khoản đáng kể để vỗ béo một bộ phận cán bộ biến chất.

Liệu có hợp lý không khi cùng tham gia kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông lại có đến 2 lực lượng thi hành nhiệm vụ là TTGT (thuộc ngành GTVT quản lý) và CSGT (do ngành công an quản lý)? Thực tế cho thấy 2 lực lượng này chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn và giẫm chân nhau trong nhiều trường hợp. Mới đây, từ ngày 15-5, theo Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ, đã chấm dứt thí điểm hoạt động của thanh tra xây dựng ở quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP HCM (sau 6 năm) vì hoạt động thiếu hiệu quả, chồng lấn...
 
Như vậy, đối với TTGT, cũng đã đến lúc cần quy hoạch lại cho đúng chức năng, vai trò của lực lượng này là kiểm tra, phát hiện những sự cố, hư hỏng về công trình giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật để cùng phối hợp khắc phục thay vì lấn sân sang hoạt động của CSGT. Đó cũng là giải pháp hiệu quả để lập lại trật tự an toàn giao thông và tinh giản, làm trong sạch bộ máy.