Chật vật... xóa xăm trên da
Nhu cầu xóa xăm ngày càng tăng do nhiều yếu tố như gia đình, công việc, học tập, thay đổi sở thích... Xóa xăm bằng các thiết bị không phù hợp hoặc kỹ thuật chưa đúng có thể dẫn đến các biến chứng về da
Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng như sẹo xấu, rối loạn sắc tố, nhiễm trùng da, hiện tượng đổi màu mực xăm gây mất thẩm mỹ hay các phản ứng dị ứng nặng như sốc phản vệ, có thể nguy hiểm sức khỏe.
Càng xóa, sẹo càng lớn
Sau 5 năm xăm trên cánh tay vì thấy lạ và thích, anh Đ.K.T. (35 tuổi, ngụ Long An) có đến một cơ sở xóa xăm tại địa phương. Tuy nhiên, sau 2 lần xóa xăm, anh T. bị biến chứng phải nhập viện điều trị.
Anh T. đã đến Bệnh viện Da liễu TP HCM thăm khám trong tình trạng cánh tay có nổi bóng nước, đau nhức vùng xăm, sốt... Đáng chú ý, xung quanh vùng xăm mực vẫn còn sót lại. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết khi đến cơ sở xóa xăm tại địa phương, anh được tư vấn xóa hình xăm bằng laser CO2. Tuy nhiên, sau 2 lần xóa không hiệu quả, đặc biệt, anh T. bị biến chứng gây sẹo phì đại ở trung tâm hình xăm.
Tương tự, một trường hợp khác là chị N.N.H (30 tuổi, ngụ TP HCM) đến bệnh viện trong tình trạng môi sưng nề, chảy dịch vàng và đóng mày mủ vùng môi kèm đau nhức, ngứa nhiều sau 3 ngày xăm môi tại một cơ sở thẩm mỹ. Tại bệnh viện, chị được điều trị với kháng sinh để tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng sang các vùng khác trên mặt và để lại sẹo xấu.
Đây là 2 trong rất nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau xóa xăm đến khám và điều trị tại bệnh viện. Bên cạnh đó, tại bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp đến xóa hình xăm vì nhiều lý do như hình xăm không đẹp, đi xin việc, dị ứng mực xăm,...
Trong phần lớn trường hợp, xóa xăm đúng cách rất an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả xóa xăm phụ thuộc nhiều yếu tố như loại da của người xăm, vị trí hình xăm, tuổi hình xăm, màu sắc, thành phần hạt mực xăm. Sau khi xóa xăm, da có thể bị tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố, độ tương phản sẽ nhiều hơn ở người có da sậm màu. Tránh nắng và dùng kem chống nắng để giảm tình trạng rối loạn sắc tố.
Màu mực xăm sáng như hồng, trắng, đỏ tươi, nâu nhạt… có thể bị phản ứng sậm lại do chất titanium dioxide và sắt oxide bị phản ứng ôxy hóa khử. Tác dụng phụ có thể gặp khi xóa xăm là chảy máu, rộp da và nhiễm trùng, thậm chí, một số trường hợp hiếm gặp có thể dị ứng, sốc phản vệ trong trường hợp xăm màu đỏ. Ngoài ra, điều trị xóa xăm không đúng cách có thể làm vùng da đó mất thẩm mỹ hơn so với hình xăm hiện tại, ví dụ như gây sẹo xấu, sẹo lồi trên hình xăm.
Lựa chọn phương pháp phù hợp
Việc xăm mình ngày càng trở nên phổ biến hơn trước đây và được chấp nhận bởi nhiều lứa tuổi, thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, cần tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an toàn trong quá trình xăm nhằm phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
Muốn xóa xăm cần lưu ý những loại hình xăm khác nhau sẽ đáp ứng điều trị khác nhau. Nếu hình xăm chuyên nghiệp do nghệ sĩ xăm thực hiện cấy mực xăm vào sâu trong lớp bì rất khó để xóa. Hình xăm không chuyên chủ yếu là màu đen, nếu pha nhiều hóa chất như sắt oxid, carbon, tro gỗ… sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả xóa xăm. Xăm chấn thương do chất ngoại lai như bột súng, nhựa đường (bụi, sỏi) xăm vào da khi chấn thương thì kết quả điều trị thay đổi tùy thuộc dị vật xăm vào da. Ngoài ra, còn có xăm thẩm mỹ (cung mày, bờ môi) và xăm y khoa (xăm vị trí xạ trị, xăm quầng vú).
Trong quy trình xóa xăm, bên cạnh việc lựa chọn thiết bị laser phù hợp thì việc thăm khám, đánh giá và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng để cho kết quả tối ưu.
Trước khi quyết định xăm hình, cần suy nghĩ và lựa chọn hình xăm kỹ vì quá trình xóa xăm cần nhiều thời gian và đôi khi không thể xóa hoàn toàn, thậm chí có thể để lại sẹo xấu. Lựa chọn cơ sở phun xăm uy tín, chất lượng và được công bố trên cổng thông tin của ngành y tế để bảo đảm về tay nghề kỹ thuật của thợ xăm cũng như các quy trình xăm hình đúng để hạn chế các tai biến.
"Quy luật 6-8"
Hiện có nhiều loại laser xóa xăm khác nhau, trong đó hai loại laser thường được sử dụng để xóa xăm là laser QS và laser pico giây. Ngoài ra, muốn xóa xăm phải chờ ít nhất từ 6-8 tuần sau xăm. Lưu ý, mỗi hình xăm cần khoảng 6-8 lần để điều trị, mỗi lần cách nhau 6-8 tuần. Vì vậy, hãy ghi nhớ "quy luật 6-8".