TP HCM kiện toàn Tổ Công tác gỡ vướng dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

(NLĐO)- Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khóa X diễn ra mới đây, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố đã nhắc tên dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng là điển hình của việc kém hiệu quả trong đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa có quyết định kiện toàn nhân sự Tổ Công tác giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (còn gọi là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, quận 3).

Theo đó, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng.

Ngoài Tổ trưởng, Tổ Công tác còn có 5 thành viên, gồm: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Nam Nhân; Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Thảo; Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Hồng Hạnh; Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên.

TP HCM kiện toàn Tổ Công tác gỡ vướng dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng - Ảnh 1.

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng "đắp chiều" hơn 13 năm; Ảnh: HẢI LÊ

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở vị trí đắc địa, được bao bọc bởi bốn mặt tiền đường trung tâm TP HCM: Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần. Nhà thi đấu từng là địa điểm quen thuộc của người dân thành phố với các hoạt động văn hóa, thể thao.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3-2010. Đến nay, dự án đã "đắp chiếu" hơn 13 năm.

Đây là một trong số ít các dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai xây dựng theo hợp đồng BT sau khi phương thức hợp tác công tư này chính thức bị dừng lại năm 2019.

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khóa X diễn ra mới đây, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố đã nhắc tên dự án này là điển hình của việc kém hiệu quả trong đầu tư công.

Mặc dù đây là một trong những dự án được Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện đầu tư hợp tác công tư mà không cần phải áp dụng đến Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Nêu nguyên nhân dự án "đắp chiếu", ông Cao Thanh Bình cho rằng ngoài các vướng mắc thì còn do thành phố chậm trong việc xác định những vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư.

Đến nay, ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo (quận 1) đã được duyệt để thanh toán, các khu đất còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công. TP HCM cần tập trung có giải pháp để thúc đẩy dự án này.