Vì sao TP HCM kiến nghị trung ương phân cấp cho thành phố 40 nội dung?

(NLĐO) - UBND TP HCM đánh giá Nghị định 93 đã có những bất cập cần phải được thay thế hoặc bổ sung, sửa đổi, khi mà nhiều nội dung phân cấp không còn phù hợp pháp luật hiện hành, không còn phù hợp thực tiễn để tạo động lực thúc đẩy cho thành phố phát triển.

UBND TP HCM vừa gửi Bộ Nội vụ Đề án về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho thành phố để thẩm định, trình Chính phủ ban hành.

Trong hơn 110 trang của đề án, TP HCM kiến nghị phân cấp cho thành phố trên 7 lĩnh vực với 40 nội dung.

Nêu lý do xây dựng đề án phân cấp mới, UBND TP HCM cho biết qua trình thực hiện Nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố, TP HCM đã đạt một số kết quả nhất định, giúp đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND, UBND thành phố.

Mặc khác, giúp TP HCM khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh với thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội, tương ứng với vị trí, vai trò của một đô thị đặc biết đối với cả nước và khu vực.

Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện, Nghị định 93 đã có những bất cập cần phải được thay thế hoặc bổ sung, sửa đổi khi nhiều nội dung phân cấp không còn phù hợp pháp luật hiện hành, không còn phù hợp thực tiễn để tạo động lực thúc đẩy cho TP HCM phát triển.

UBND TP HCM đã nêu, phân tích các quy định hiện hành và tính cấp thiết của việc phân cấp tối đa cho thành phố trong đề án.

Cụ thể, trong lĩnh vực đô thị, tài nguyên và môi trường, TP HCM kiến nghị được phân cấp việc điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư và ngược lại... nhằm tạo điều kiện cho TP HCM chủ động quyết định tính khả thi khi xây dựng nhà ở tại các dự án khu đô thị, phù hợp nhu cầu, thời điểm.

Hiện, theo quy định, việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP.HCM thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Tuy nhiên, TP.HCM lập luận quy trình này hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tốc độ phát triển, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong từng giai đoạn. Do đó, UBND TP.HCM đề xuất được phân cấp thẩm quyền này.

Một số nội dung khác được TP HCM đề xuất phân cấp trong lĩnh vực này như: Miễn giảm kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu; điều chỉnh quyết định của Thủ tướng về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong một số trường hợp...

Về kinh tế, UBND TP HCM kiến nghị được phê duyệt đề án thành lập doanh nghiệp do UBND TP HCM nắm giữ 100% vốn điều lệ và là đại diện chủ sở hữu; quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể với doanh nghiệp do UBND TP HCM thành lập...

Về nội vụ, thành phố mong muốn được quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP HCM; trình HĐND TP HCM quyết định biên chế hành chính, số người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập và số người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn...

40 nội dung trong 7 lĩnh vực kiến nghị Trung ương phân cấp cho TP HCM:

STT

Lĩnh vực quản lý Nhà nước

Số lượng nội dung đề xuất được phân cấp

1

Kinh tế

10

2

Tài chính, ngân sách Nhà nước

2

3

Đô thị, tài nguyên và môi trường

8

4

Khoa học và công nghệ

1

5

Nội vụ

4

6

Trật tự an toàn xã hội

1

7

An sinh xã hội

14

Nói về khó khăn hiện nay, TP HCM phân tích các quy định phân cấp từ năm 2001 có nhiều nội dung chỉ giới hạn trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng. Trong khi đó, nhiều vấn đề bức xúc của TP HCM không thể giải quyết do vướng quy định từ hiến pháp, luật, pháp lệnh (thuộc thẩm quyền Quốc hội).

Mô hình tổ chức bộ máy chính quyền của TP HCM hiện cơ bản giống các tỉnh trong khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dẫn đến sự không tương thích.