Bồi thường căn cứ trên mức lương nào?

Trang Thị Xuân Thảo (quận 5, TP HCM) thắc mắc:

 "Tháng 9-2016, tôi vào làm việc tại Công ty EZ Cosmetic theo thư mời nhận việc. Theo đó, tổng lương tôi được hưởng là 12 triệu đồng, bao gồm lương cơ bản 3.762.000 đồng và phụ cấp trách nhiệm 8.238.000 đồng. Đến tháng 1-2017, công ty ra quyết định cho tôi nghỉ việc không lý do. Sau đó, tôi khởi kiện ra tòa và được tòa sơ thẩm tuyên thắng kiện, buộc công ty phải bồi thường vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Tuy nhiên, tòa lại căn cứ mức lương cơ bản để làm cơ sở tính bồi thường thiệt hại…".

Bồi thường căn cứ trên mức lương nào? - Ảnh 1.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa, trả lời: Theo quy định hiện hành, tiền lương của người lao động gồm: lương cơ bản và các khoản phụ cấp (nếu có). Mặt khác, theo Luật BHXH, mức đóng BHXH bắt buộc cho người lao động là mức lương và phụ cấp lương theo quy định. Như vậy, tiền lương để làm căn cứ bồi thường cho người lao động phải tương đồng như mức lương đóng BHXH bắt buộc, bao gồm lương và phụ cấp lương. Việc doanh nghiệp chỉ lấy lương cơ bản để đóng BHXH là vi phạm các quy định tại điều 89 Luật BHXH năm 2014, điều 6 Quyết định số 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam. Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ mức lương căn bản để buộc công ty bồi thường là chưa đúng và chưa bảo đảm quyền lợi cho người lao động.