Chất lượng lao động Việt Nam còn thấp

Theo báo cáo "Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2017" vừa được Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, trong 5 năm qua, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam gần như ổn định và chỉ tăng nhẹ từ 1,96% lên 2,26% vào quý II/2017.

 Tỉ lệ thiếu việc làm cũng ở mức thấp và có xu hướng giảm từ 2,74% năm 2012 xuống còn 1,62% vào quý II/2017. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng lao động của Việt Nam còn thấp, với chỉ trên 23% có bằng cấp, chứng chỉ. Trong số lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì có hơn 50% thuộc nhóm trình độ cao đẳng và đại học trở lên, trong khi số có chứng chỉ nghề trình độ trung cấp chỉ chiếm 5,42% và chứng chỉ nghề ngắn hạn chiếm 5,6% trong tổng lực lượng lao động.

Chất lượng lao động Việt Nam còn thấp - Ảnh 1.

Chỉ trên 23% lao động Việt Nam có bằng cấp, chứng chỉ

Từ những thực tế này, để tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động và cơ hội việc làm cho người lao động, Viện Khoa học Lao động và Xã hội khuyến nghị cần phân luồng sớm ngay từ cấp THCS nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội về quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình chính thức hóa việc làm thông qua các cơ chế hỗ trợ tín dụng, thuế, đào tạo nghề cho người lao động đối với các cơ sở sản xuất nhỏ đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.