Đã nên xem xét tăng tuổi nghỉ hưu?
Điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải phân ra từng nhóm lao động và đối tượng cụ thể - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng chia sẻ quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên về việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu.
Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng
Ông có ý kiến gì về dự thảo hồ sơ đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến, trong đó đề cập đến nâng tuổi nghỉ hưu?
- Tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp và tác động lớn đối với người lao động (NLĐ) đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật (Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014). Tuy nhiên, vì vấn đề phức tạp nên chưa được Quốc hội thông qua. Nhưng lần này, chúng ta có đầy đủ lý do để xem xét, cân nhắc tuổi nghỉ hưu, song phải nghiên cứu, đánh giá hết sức khoa học ở nhiều chiều khác nhau.
Trước đây, năm 2015 khi Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý xem xét tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là những công chức, viên chức, người làm khoa học. Với những NLĐ trực tiếp, công việc nặng nhọc, độc hại cần phải xem xét kéo dài tuổi làm việc vì thời gian qua, điều kiện lao động được cải thiện rất nhiều, nhưng NLĐ vẫn phải làm việc với cường độ cao, khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên 73 nhưng trung bình mỗi người có trên 10 năm ốm đau.
Cũng phải quan tâm đến tỷ lệ thất nghiệp. Mọi người cứ nói thời kỳ dân số vàng đã hết, nên phải nâng tuổi nghỉ hưu để đón trước. Tôi đồng ý với việc này nhưng tỉ lệ thất nghiệp của lao động trẻ rất cao. Chúng ta lại chuyển từ mô hình kinh tế thâm dụng sang phát triển theo chiều sâu. Vì thế, vẫn phải tính đến yếu tố thất nghiệp nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, khi dân số vàng kéo dài cả thập niên nữa. Kéo dài tuổi nghỉ hưu là xu hướng nhiều nước trên thế giới đi theo. Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét, ở một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam, tuổi nghỉ hưu cũng tương đương. Ví dụ, Trung Quốc tuổi nghỉ hưu 60 – 55 với nam và nữ, Indonesia 55 tuổi, Malaysia và Thái Lan cũng vậy.
Với điều kiện của Việt Nam, tuổi nghỉ hưu nên tăng thế nào, thưa ông?
- Lần này cần xem xét để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải phân ra từng nhóm lao động, từng đối tượng cụ thể. Chúng tôi nghĩ, trước mắt, nhóm cán bộ công chức, những người làm công việc khoa học có cường độ về mặt thể chất ít có thể kéo dài tuổi làm việc. Còn những lao động trực tiếp cần xem xét chưa nâng vào năm 2021 như dự thảo, mà lùi lại đến khi điều kiện làm việc đã được cải thiện.
Dự thảo có nói tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo quyền làm việc. Khi nghỉ hưu rồi, người ta vẫn có thể làm việc mà không bị ảnh hưởng gì. Nên chăng, ở góc độ Bộ luật Lao động chưa cần đưa nội dung này vào mà có thể điều chỉnh trong Luật Công chức, Luật Viên chức.
Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người làm công việc lao động trực tiếp sẽ dẫn đến hệ quả gì?
- Đương nhiên tác động đến nhiều yếu tố, trong đó số người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sẽ tăng lên. Hiện nay, bình quân mỗi năm cả nước có thêm 1 triệu đối tượng tham gia BHXH thì hơn 700.000 người nhận trợ cấp một lần. Đây là vấn đề đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất thu nhập của NLĐ thấp, không có tích luỹ. Khi không còn làm việc, gần như NLĐ chẳng còn gì để bấu víu, phải nhận trợ cấp BHXH một lần. Theo khảo sát của TLĐ, trên 51% NLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, hơn 30% phải đi làm thêm mới sống tạm ổn.
Kéo dài thời gian làm thêm là cách để NLĐ có thu nhập cao và đáp ứng nhu cầu của DN. Vì thế, Bộ LĐTB-XH đề xuất tăng giờ làm thêm lên 400. Quan điểm của ông thế nào?
- Với quy định 300 giờ như hiện nay đã có nhiều DN vi phạm khung giờ làm thêm. Quan điểm của TLĐ trước đây cũng đồng ý xem xét khung làm thêm giờ, tất nhiên phải có giới hạn. Mọi người nói khung làm thêm giờ của Việt Nam thấp so với các nước. Thực tế, khi nghiên cứu làm thêm giờ, ta phải tính đến số giờ làm việc chính thức. Một số quốc gia, có thể khung làm thêm giờ cao hơn Việt Nam, nhưng thời gian làm việc chính thức chỉ 40 giờ/1 tuần, thậm chí thấp hơn. Trong khi đó, thời giờ nghỉ lễ của họ cao hơn, cho nên cộng cả khung làm thêm giờ và thời gian làm việc chính thức lại thấp hơn chúng ta.
Làm thêm giờ cũng phải xuất phát từ sức khoẻ và điều kiện làm việc của NLĐ. Theo nghiên cứu của Bộ LĐ-TB-XH, tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất vào lúc làm thêm giờ bởi lúc đó sức khỏe giảm sút. Lại có lập luận rằng, đa số NLĐ được khảo sát đều mong muốn làm thêm giờ. Chúng ta nên hiểu, trong điều kiện tiền lương không đủ sống họ buộc phải "làm thêm giờ" để trang trải. Thứ nữa, xu hướng một số nước cải thiện điều kiện làm việc, tăng tiền lương, giảm giờ làm, Việt Nam đang hội nhập cũng nên đi theo, nhất là khi điều kiện kinh tế phát triển. Làm thêm giờ cũng ảnh hưởng đến việc làm khi tình trạng thất nghiệp vẫn tăng cao. Kéo dài thời giờ làm thêm, có thể dẫn đến DN không tuyển dụng lao động để giảm chi phí.
Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời giờ làm thêm tăng lên bao nhiêu cho phù hợp với NLĐ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển?
- Chúng tôi giới hạn ở mức trần 400 giờ, sau này điều kiện tốt hơn, sức khỏe cải thiện sẽ xem xét. Nới làm thêm giờ là tạo điều kiện cho DN xử lý những việc đột xuất như giải quyết đơn hàng, chiến dịch, chứ không phải trốn tránh trách nhiệm để không tuyển dụng lao động. Cũng nên bỏ quy định giới hạn làm thêm 30 giờ/tháng để tháo gỡ khó khăn cho DN. Và để đảm bảo hài hoà, khi nới hạn giờ làm thêm, tiền lương của NLĐ áp dụng theo phương pháp luỹ tiến. Ví dụ NLĐ làm thêm 200 giờ, mức lương 150%; từ 200 – 250 giờ, NLĐ hưởng 200% lương. Khi làm thêm giờ, DN càng phải quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa thật tốt hơn, bởi khả năng có thể xảy ra tai nạn ở cuối ngày làm việc và giờ làm thêm cao hơn.
Có một thực tế, DN sa thải lao động tuổi sau 35. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến, nhiều DN áp dụng dây chuyền công nghệ vào sản xuất, tình trạng này có thể tăng cao?
- Hiện nay sa thải lao động trên 35 tuổi chưa liên quan một cách rõ ràng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng sa thải lao động trên 35 tuổi thường rơi vào những người làm trong khu vực lao động có cường độ cao, gia công chế biến, công việc giản đơn. Thường thì cùng với tuổi tác tăng lên, sức khỏe của NLĐ giảm sút, độ nhanh nhạy cũng kém đi. Khi DN tăng ca sẽ làm khó cho đối tượng này, trong khi đó, chi phí tiền lương, BHXH lại cao hơn những lao động mới được tuyển. Do đó, DN muốn đẩy NLĐ tuổi trên 35 ra, kể cả sử dụng chiêu bài hỗ trợ cao hơn luật quy định.
Để không bị mất việc, tôi khuyên NLĐ không ngừng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Về phía tổ chức công đoàn cần có những biện pháp bảo vệ NLĐ. Cơ quan Nhà nước tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện những trường hợp vi phạm. Và, khi sửa đổi Bộ luật Lao động nên theo hướng quan hệ lao động tự nguyện nhưng DN vẫn phải đảm bảo trách nhiệm xã hội đối với NLĐ. Cuối cùng là tăng cường tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động.