Dám nghĩ, dám làm

Ở các công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc, lượng vải vụn (phế liệu) phát sinh khá lớn. Nếu chịu khó phân loại để bán thì doanh nghiệp có thể thu về một khoản tiền không nhỏ.

Công ty CP Dệt may Phong Lan (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng đã thử phân loại phế phẩm để bán nhưng không đạt kết quả. Chứng kiến những thứ có thể "đẻ" ra tiền được chuyển đến nơi xử lý rác, chị Nguyễn Đỗ Uyên Thuần, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, rất tiếc.

Để có nguồn chăm lo cho công nhân (CN), CĐ cơ sở đứng ra nhận trách nhiệm xử lý rác với cam kết tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ nhập vào quỹ CĐ để chăm lo cho người lao động (NLĐ). Để thực hiện ý tưởng này, một mặt CĐ liên hệ các đơn vị thu mua vải vụn, một mặt vận động NLĐ tham gia phân loại rác. Thời gian đầu, nhiều NLĐ e ngại tham gia bởi việc này mất nhiều thời gian, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Để NLĐ an tâm, CĐ đề xuất áp dụng thử trong 1 tháng, nếu không có hiệu quả sẽ ngừng. Khi NLĐ đồng ý, ở mỗi bàn may, CĐ gắn một hộp đựng rác nhỏ để NLĐ có thể phân loại rác và bỏ vào đó. Sau 1 tháng, hiệu quả từ việc thu gom và phân loại rác thấy rõ. Trước đây, công ty chỉ thu được khoảng 300.000 - 400.000 đồng tiền bán phế phẩm thì nay số tiền CĐ thu về được tăng gấp đôi, gấp ba... Toàn bộ số tiền thu về trong tháng đầu tiên, CĐ dùng để tổ chức liên hoan, động viên tinh thần NLĐ.

Thấy được hiệu quả của việc làm này nên tập thể CN tình nguyện tham gia hoạt động này. Mỗi năm, số tiền CĐ thu được từ bán rác khoảng 14-15 triệu đồng. Từ nguồn thu này, CĐ cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên và con đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. "Điều có ý nghĩa nhất là việc thu gom và phân loại rác từ nguồn đã trở thành thói quen của toàn bộ CN, kể cả CN mới vào làm. Những lần xuống xưởng, thấy CN cũ chỉ CN mới cách phân loại rác, tôi thấy rất vui" - chị Thuần bộc bạch.