Đi vệ sinh cũng bị trừ tiền

Chúng tôi làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại đã mười mấy năm, nay sức khỏe suy yếu phải xin nghỉ việc. Nhưng công ty lấy đủ lý do để không trả trợ cấp thôi việc (TCTV) và các quyền lợi khác”. Đây là nội dung trong đơn khiếu nại của một nhóm công nhân (CN) Công ty Cổ phần Nhôm - Nhựa Kim Hằng gởi Báo Người Lao Động, đề nghị bảo vệ quyền lợi.

Tiếp xúc với hồ sơ vụ việc, nhiều chuyên gia pháp luật lao động nhận định: Công ty đã quá tùy tiện trong cách hành xử với người lao động (NLĐ).

Làm việc 5 năm mới được ký HĐLĐ

Theo tài liệu chúng tôi có được, nhóm CN trên làm việc cho công ty từ năm 1993, nhưng mãi đến năm 1998, họ mới được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Ngày 8-1, hai CN Trần Minh Bằng và Lưu Quang Quý gởi đơn xin nghỉ việc, được giám đốc chấp thuận nhưng không ghi ngày cho nghỉ. Ngày 27-2, ông Cao Văn Mẫm xin nghỉ việc, trưởng phòng tổ chức duyệt cho nghỉ ngày 28-2. Tương tự, ngày 3-4, ông Trần Văn Ân, xin nghỉ, trưởng phòng tổ chức, duyệt cho nghỉ vào ngày 4-4. Tuy nhiên, ngay khi gởi đơn, hai CN trên đã nghỉ việc. Lấy lý do các CN trên vi phạm thời gian báo trước, công ty không trả TCTV.

Luật gia Võ Văn Đời, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TPHCM, phân tích: Trường hợp ông Bằng, ông Quý đã được công ty chấp nhận cho nghỉ thì phải trả TCTV đầy đủ. Trường hợp ông Ân, ông Mẫm, vi phạm thời hạn báo trước 1 ngày, nên phải bồi thường 1 ngày tiền lương cho công ty. Việc công ty lấy lý do họ nghỉ trước thời hạn công ty cho phép để không trả TCTV là trái pháp luật.

Những quy định lạ lùng

Cho người lao động nghỉ việc nhưng không trả trợ cấp thôi việc - Tùy tiện thu các khoản vệ sinh phí, quỹ phúc lợi của người lao động...

Chuyện khó tin này diễn ra tại công ty nhiều năm qua. Mỗi tháng, công ty trừ thẳng vào lương CN từ 6.000 đồng đến 14.000 đồng “để vệ sinh nhà vệ sinh dùng cho nhu cầu tự nhiên của NLĐ và vệ sinh máy móc, nhà xưởng!”. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN bức xúc: “Chúng tôi đã hỏi nhiều nơi và không thấy ở đâu có quy định kỳ quặc như vậy”.

Chưa hết, công ty cũng trừ của mỗi CN từ 6.000 đồng đến 14.000 đồng/tháng làm quỹ phúc lợi. Khoản trừ này, công ty trừ thẳng vào lương mà không hề cho biết lý do, cũng không công khai thu chi với CN. Khi cơ quan chức năng quận 8 - TPHCM chất vấn về khoản thu này thì công ty cho rằng, đã công khai các khoản trừ trong bảng lương, xem như đã thỏa thuận với NLĐ. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trong nhiều bản HĐLĐ, công ty có ghi tiền cơm của CN là 150.000 đồng/người/tháng, nhưng thực tế công ty không hề chi các khoản này.

Một chuyên viên của Phòng LĐ-TB-XH quận 8 khẳng định: Khoản thu vệ sinh và phúc lợi trên không nằm trong quy định của pháp luật. Nếu muốn thu, công ty phải thỏa thuận với NLĐ và công khai thu chi theo nguyên tắc tài chính.

Không phụ cấp độc hại

Theo danh mục các ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì ngành nghề sản xuất của Kim Hằng thuộc danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. CN phải được bảo đảm điều kiện làm việc, khám sức khỏe nghề nghiệp; trợ cấp độc hại, bồi dưỡng bằng hiện vật; chế độ thai sản, phép năm đối với ngành nghề nặng nhọc, độc hại... Thế nhưng, từ nhiều năm qua, công ty không thực hiện đầy đủ các quy định trên.

Khi CN khiếu nại đòi phụ cấp độc hại, Phòng LĐ-TB-XH quận 8 tổ chức hòa giải, đại diện công ty cho rằng: “Tiền độc hại đã được tính trong đơn giá khoán sản phẩm”. Thế nhưng, sau đó, công ty không chứng minh được nên cuối cùng phải đồng ý trả tiền độc hại cho NLĐ. Tuy nhiên, công ty chỉ truy trả 6 tháng cho những người nghỉ việc và khiếu nại, còn những người đang làm việc thì không được xem xét.

Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã liên hệ với ông Thân Văn Tấn, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Kim Hằng. Tuy nhiên, ông Tấn từ chối trả lời.

BÀ ĐỖ THỊ MỸ DUNG, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ LĐLĐ QUẬN 8 - TPHCM:

Quyền lợi của nhiều CN không được thực thi

NLĐ do trình độ hạn chế, lại bị thúc bách bởi nhu cầu cuộc sống nên không dám đấu tranh khi quyền lợi bị xâm hại. Nay, do quá bức xúc, nhiều CN đã gởi đơn kiến nghị đến LĐLĐ quận, đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

ÔNG PHAN NHẤT HẢI, CHUYÊN VIÊN PHÒNG LĐ-TB-XH QUẬN 8 - TPHCM:

Phải trả lại tiền cho NLĐ

Trách nhiệm tạo môi trường lao động đúng tiêu chuẩn là của người sử dụng lao động. Công ty buộc NLĐ phải chịu chi phí cho những khoản vệ sinh nhu cầu cá nhân, máy móc, nhà xưởng là trái pháp luật. Công ty phải trả lại các khoản thu này cho NLĐ.