Được tính từ ngày đầu tháng

Thời điểm người lao động được phép làm thêm giờ ở trường hợp doanh nghiệp nêu sẽ được tính từ ngày 1 của tháng đó

Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (quận 1, TP HCM) hỏi: "Theo quy định khi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ/năm thì phải thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm. Vậy nếu ngày 15 doanh nghiệp (DN) thông báo cho sở thì thời điểm người lao động (NLĐ) được phép làm thêm giờ được tính từ ngày 1 hay ngày 16 của tháng đó?".

Sở LĐ-TB-XH TP HCM trả lời: Theo khoản 3, khoản 4 điều 107 Bộ Luật Lao động, trường hợp người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200-300 giờ/năm (đã sử dụng hết 200 giờ/năm) thì phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Các trường hợp làm thêm giờ từ trên 200-300 giờ/năm phải thuộc các ngành, nghề, công việc theo quy định. Hồ sơ thông báo phải bảo đảm có sự đồng ý của NLĐ khi làm thêm giờ, được ký thành văn bản thể hiện nội dung thời giờ làm thêm, địa điểm làm việc, công việc phải làm (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP); gửi chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm giờ (theo mẫu số 02/PLIV).

Như vậy, nếu DN thuộc ngành, nghề được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm thì phải thông báo cho Sở LĐ-TB-XH chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm giờ. Luật không quy định công ty phải chờ thông báo của sở hoặc cơ quan ủy quyền tiếp nhận mới được thực hiện. Do đó, thời điểm NLĐ được phép làm thêm giờ ở trường hợp DN nêu sẽ được tính từ ngày 1 của tháng đó.