Hiểu đúng chương trình "Lao động kỹ năng đặc định"

Việt Nam và Nhật Bản ngày 1-7 đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình "Lao động kỹ năng đặc định".

Visa kỹ năng đặc định hay còn gọi là Tokutei Ginou là loại visa mới dành cho lao động người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Khi được cấp visa này, người lao động (NLĐ) có cơ hội được làm việc dài hạn tại Nhật với mức thu nhập hấp dẫn cùng nhiều chế độ đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, yêu cầu về trình độ chuyên môn khi xin xét duyệt loại visa kỹ năng đặc định cũng cao hơn. Theo đó, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động "kỹ năng đặc định" người Việt Nam sau khi NLĐ đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong "danh sách xác nhận" được cấp bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các đối tượng này gồm những lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản và những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp.

Hiểu đúng chương trình Lao động kỹ năng đặc định - Ảnh 1.

Các thực tập sinh của Công ty TNHH Esuhai trở về được cấp chứng nhận hoàn thành khóa thực tập

Về quyền lợi của NLĐ, theo MOC, lao động kỹ năng đặc định lưu trú tại Nhật Bản được hưởng các quyền lợi theo luật nhập cư, luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan của Nhật Bản. Ngoài ra, NLĐ sẽ được hưởng các quyền lợi khác liên quan tới chi phí cho việc đào tạo tiếng Nhật hoặc đào tạo kỹ năng, chi phí đi lại bao gồm chi phí trở về Việt Nam sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của các lao động kỹ năng đặc định. Được biết có 14 lĩnh vực ngành nghề đặc định tại Nhật Bản bao gồm: xây dựng, điều dưỡng, đóng tàu, làm sạch tòa nhà, bảo dưỡng ôtô, nông nghiệp, hàng không, ngư nghiệp, khách sạn, nhà hàng, chế biến thực phẩm, gia công chế tạo công nghiệp, sản xuất máy công nghiệp, điện - điện tử - viễn thông.