Hơn 1.000 công nhân Công ty Mei Sheng Textiles đình công

(NLĐO) – Hơn 1000 công nhân ở Bà Rịa-Vũng Tàu đình công yêu cầu tăng khẩu phần ăn, có chế độ tăng lương và nghỉ ngơi hợp lý.

Ngày 20-3, khoảng 1.000 công nhân (CN) Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (đóng tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã ngừng việc tập thể đòi tăng lương, giảm giờ làm. Đây là ngày thứ 2 CN đình công khi quyền lợi không được phía công ty giải quyết.

Các CN yêu cầu phía công ty có chế độ tăng lượng hợp lý, bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng theo quy định và có giờ nghỉ giữa ca để ăn uống, nghỉ ngơi.

Hơn 1.000 công nhân Công ty Mei Sheng Textiles đình công - Ảnh 1.

Công nhân tụ tập trước cổng công ty đòi quyền lợi

Chị B.T.L (Công nhân Mei Sheng) cho biết, đã làm việc tại công ty 7 năm, trước đó công nhân cũng tổ chức đình công, ngày 19-3 Công ty Mei Sheng có cam kết với công nhân sẽ thực hiện một số yêu cầu của công nhân như tăng khẩu phần ăn từ 16.500 lên 18.500 đồng tiền ăn giữa ca cho công nhân, tuyển dụng thêm công nhân để giảm khối lượng công việc, ca 12 tiếng sẽ được nghỉ giữa ca 45 phút và ca 8 tiếng được nghỉ 30 phút… tuy nhiên công ty không thực hiện:

"Thực tế công nhân chỉ được nghỉ 15 – 20 phút, ăn cũng vội vàng, chưa xong đã phải ra đứng máy. Công nhân đình công thì phía công ty có cam kết là tăng phần ăn, tăng lương nhưng không có", chị L. bức xúc.

Hơn 1.000 công nhân Công ty Mei Sheng Textiles đình công - Ảnh 2.

Công nhân ngừng việc tập thể nên công ty không tiếp tục sản xuất được

Ngoài ra, CN cũng phản ánh việc nhiều người nghỉ việc nhưng những người khác phải làm thay chứ không có thêm người. Trong khi lương và phụ cấp vẫn vậy, không tăng, bữa ăn không đảm bảo "nước nấu hủ tíu thì nguội ngắt, bún gà chỉ có một miếng gà nhỏ, còn lại nước lèo, canh chỉ có nước và rau…bữa ăn như vậy làm sao CN đủ sức, một số người phải mang thêm đồ ăn phụ vào mới no được", một nữ CN cho hay.

Nhận được phản ánh phía CN, cùng ngày LĐLĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm việc với đại diện Công ty Mei Sheng và yêu cầu phía công ty phải điều chỉnh lại bản cam kết để giải quyết quyền lợi chính đáng cho CN.