Không có cơ sở đòi bồi thường

Phan Hoàng Nhật (quận 1, TP HCM) thắc mắc: "Do một số nhà đầu tư rút vốn nên công ty chúng tôi gặp nhiều khó khăn, buộc phải cho một số lao động nghỉ việc. Căn cứ quy định pháp luật, công ty sẽ bồi thường cho NLĐ nghỉ việc mỗi năm làm việc 1 tháng tiền lương. Tuy nhiên, ngoài khoản bồi thường này, các nhân viên đã ký HĐLĐ xác định thời hạn yêu cầu công ty phải trả thêm cho họ 3 tháng tiền lương nữa. Yêu cầu của NLĐ có hợp lý?".


Không có cơ sở đòi bồi thường - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Lao động, trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều NLĐ có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì NSDLĐ phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động. Khi NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điều 49 của bộ luật này. Việc cho thôi việc đối với nhiều NLĐ theo quy định tại điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Như vậy, với trường hợp trên, nếu công ty đã xây dựng phương án sử dụng lao động đúng theo quy định thì chỉ phải trả trợ cấp mất việc cho NLĐ làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. Vì vậy, việc NLĐ yêu cầu công ty phải trả thêm cho họ 3 tháng lương là không có cơ sở pháp lý.