Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chỉ đạt 23,1%

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả chính thức và Tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương tổ chức.

Kết quả điều tra cho thấy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế với tỉ lệ lao động đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ thấp, chỉ đạt 23,1%. Việt Nam có thị trường lao động rộng lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao, người lao động làm việc trong các nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, khoảng 11% lao động có trình độ cao; lao động phổ thông và lao động giản đơn chiếm tỉ trọng lớn. Theo Tổng cục Thống kê, dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam theo hướng tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỉ lệ này sớm đạt ngưỡng 70% như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chỉ đạt 23,1% - Ảnh 1.

Lao động ngành dịch vụ liên tục tăng trong những năm qua

Giai đoạn 2009-2019, tỉ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển tích cực theo hướng giảm tỉ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nhóm nghề lao động giản đơn thu hút nhiều nhân lực nhất trong nền kinh tế, với tỉ lệ 33,2%. So với 10 năm trước đây, tỉ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm mạnh (giảm 7,1 điểm phần trăm).