Cột mốc mới trong cuộc chiến chống sốt rét

Cameroon hôm 22-1 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em đối với vắc-xin sốt rét. Loại vắc-xin được sử dụng là RTS,S (Mosquirix) của hãng dược GlaxoSmithKline (GSK, trụ sở ở Anh).

Đây là một trong 2 loại vắc-xin sốt rét được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. WHO khuyến cáo sử dụng vắc-xin này để phòng ngừa sốt rét do Plasmodium falciparum, tiêm 4 liều theo lịch cho trẻ từ 5 tháng tuổi. 

Theo GSK, vắc-xin này có hiệu quả khoảng 30%. Tuy nhiên, WHO cho biết nếu được triển khai rộng rãi theo mùa ở khu vực nguy cơ cao, vắc-xin có khả năng ngăn ngừa khoảng 75% các đợt dịch sốt rét.

Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) cho biết Cameroon dự kiến sẽ tiêm cho 250.000 trẻ trong năm 2024 - 2025. GAVI cũng đang hợp tác với 20 quốc gia khác ở châu Phi để giúp họ tiêm chủng cho tổng cộng 6,6 triệu trẻ trong giai đoạn này. Tại châu Phi, sốt rét gây tử vong cho gần nửa triệu người dưới 18 tuổi mỗi năm.

Một em bé được tiêm vắc-xin sốt rét tại một bệnh viện ở Kenya hồi tháng 7-2022 Ảnh: Reuters

Một em bé được tiêm vắc-xin sốt rét tại một bệnh viện ở Kenya hồi tháng 7-2022 Ảnh: Reuters

Theo WHO, cuộc chiến chống sốt rét gặp không ít trở ngại trong những năm gần đây, như những gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19, tình trạng kháng thuốc diệt côn trùng gia tăng… Theo thống kê, thế giới ghi nhận khoảng 249 triệu ca sốt rét trong năm 2022.

Hơn 30 quốc gia tại châu Phi đã bày tỏ sự quan tâm đến vắc-xin sốt rét. Tuy nhiên, GSK cho biết họ chỉ có thể sản xuất khoảng 15 triệu liều STS,S mỗi năm. 

Nỗi lo nguồn cung thiếu hụt giảm bớt sau khi WHO phê duyệt vắc-xin sốt rét thứ hai vào tháng 10-2023, gọi là R21 và do ĐH Oxford (Anh) phát triển. Loại vắc-xin mới sẽ rẻ hơn và chỉ cần tiêm 3 liều. Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết họ có thể sản xuất tới 200 triệu liều mỗi năm.