Dự án sân golf gây hậu quả lớn (*): Ưu ái bất thường

Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì nhiều vấn đề về dự án sân golf Đăk Đoa mới phát lộ, trong đó có việc bỏ qua nhiều tỉ đồng đáng ra Tập đoàn FLC phải nộp

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, tỉnh Gia Lai đã dành nhiều ưu ái cho Tập đoàn FLC trong dự án sân golf Đăk Đoa.

Tính giá rẻ như cho

Cụ thể, tỉnh này cấp cho chủ đầu tư 197 ha để thực hiện dự án nhưng nhà đầu tư chỉ thực hiện bồi thường đối với 178 ha đất có cây thông (trồng từ năm 1976-1978) với giá trị bồi thường cộng với phí chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 18,8 tỉ đồng. Tiền chuyển mục đích sử dụng đất của 178 ha được tính là 64,3 triệu đồng/ha nên chủ đầu tư chỉ trả 11,5 tỉ đồng.

Trong số 19 ha còn lại không có cây thông thì hơn 16 ha đất trống, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai tính tiền thuê đất hằng năm như những diện tích có thông với tổng số tiền thuê đất 1,763 tỉ đồng/năm.

Riêng 2,5 ha đất nông nghiệp thì tỉnh Gia Lai xác định đây là diện tích do người dân xâm lấn trái phép nên địa phương thu hồi giao lại đất sạch cho chủ đầu tư mà không tính giá trị bồi thường.

Dự án sân golf gây hậu quả lớn (*): Ưu ái bất thường - Ảnh 1.

Cảnh tàn tạ của những cây thông trong dự án

Tại kỳ họp thứ 17, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm. Đồng thời, thu hồi các quyết định trái quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Tài sản trên đất được đo đếm là 59.243 cây thông 2 và 3 lá, chủ đầu tư chỉ phải bồi thường 21,472 tỉ đồng. Để ra con số này, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai tính giá trị bồi thường thiệt hại khi chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng rừng thông sang đất thương mại dịch vụ là 2,5 tỉ đồng cộng với giá trị của 59.243 cây thông chỉ 18,9 tỉ đồng (số cây thông trên được quy ra 10.904,1 m3 gỗ thương phẩm và 2.142 ster cành, củi). Như vậy, mỗi cây thông quy ra tiền là 319.000 đồng.

Trong khi đó, những năm qua, cánh rừng thông bonsai ở vùng thực hiện dự án luôn được xem là phần béo bở cho các đối tượng đào trộm mang bán cho nhà vườn. Theo một chủ nhà vườn, mỗi cây thông sau khi đào trộm được bán với giá từ 6-10 triệu đồng, tùy theo dáng, thế cây.

Cũng theo tìm hiểu, tỉnh Gia Lai không yêu cầu Tập đoàn FLC nộp chi phí đầu tư tạo rừng. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vào cuộc, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai mới yêu cầu FLC thực hiện nộp số tiền 9,199 tỉ đồng chi phí đầu tư tạo rừng khi thực hiện dự án.

Kỷ luật hàng loạt quan chức

Khi Tập đoàn FLC đang tiến hành di thực cây thông, san ủi đường và triển khai một số hạng mục của dự án sân golf Đăk Đoa thì UBKT Trung ương vào cuộc, yêu cầu tạm dừng để làm rõ.

Kết quả, tháng 7-2022, tại kỳ họp thứ 17, UBKT Trung ương nhận thấy Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhà ở, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, UBKT Trung ương nêu rõ tỉnh Gia Lai đã báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa.

Dự án sân golf gây hậu quả lớn (*): Ưu ái bất thường - Ảnh 3.

Những cây thông quy ra tiền là 319.000 đồng trong khi giá trị ở ngoài gấp nhiều lần

UBKT Trung ương xác định những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây nguy cơ thiệt hại lớn tài nguyên rừng, tiền, tài sản của nhà nước, lãng phí lớn nguồn lực đầu tư, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về các ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; 3 phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và ông Nguyễn Đức Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, còn có ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Tài chính; ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến kỳ họp thứ 18, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với các ông Đỗ Tiến Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Kpă Thuyên - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Phước Thành - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Đức Hoàng - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, kỷ luật khiển trách các ông Nguyễn Anh Dũng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính; ông Lưu Trung Nghĩa - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Duy Du - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.

Dự án sân golf gây hậu quả lớn (*): Ưu ái bất thường - Ảnh 4.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận tỉnh Gia Lai báo cáo dự án này không trung thực

Ngày 16-8, sau khi xem xét đề nghị của UBKT Trung ương, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021; khiển trách Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 - 2026; cách chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 đối với ông Võ Ngọc Thành…

Về mặt chính quyền, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh sau đó ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đối với ông Võ Ngọc Thành. Các ông Đỗ Tiến Đông, Hồ Phước Thành, Kpă Thuyên và Nguyễn Đức Hoàng bị kỷ luật cảnh cáo.

Bạn đọc bất bình

Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài "Dự án sân golf gây hậu quả lớn", nhiều bạn đọc ủng hộ sự vào cuộc của báo, đồng thời bày tỏ sự bất bình đối với những người có trách nhiệm.

Trong khi bạn đọc Bá Minh xót xa nói cây cối cũng có linh hồn, sao người ta có thể làm vậy thì bạn đọc Đào Trọng Đạt nêu ý kiến dứt khoát phải kiểm điểm, xử lý nghiêm những người này.

Bạn đọc Xuan Canh Tran nhận định: "Hậu quả quá nặng nề. Trồng rừng đã khó nhưng giữ rừng lại càng khó"...

Cái giá của không trung thực

"Thuyết minh" về dự án sân golf Đăk Đoa, từ chính quyền địa phương đến chủ đầu tư là Tập đoàn FLC đều rất hào hứng với viễn cảnh tươi sáng, trong đó có phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn du lịch, giúp hàng trăm lao động có việc làm...

Sự hào hứng ấy, hoặc vì lý do nào đó, đã khiến họ không màng tới thực tế đang diễn ra. Đó là rừng thông bonsai cả ngàn cây bị hủy diệt, đồi cỏ hồng nơi lưu giữ ký ức của làng Hlâm bị xâm phạm, môi trường sinh thái khu vực bị tổn thương.

Bất chấp những nguy cơ mà giới chuyên gia cùng truyền thông cảnh báo, bất chấp những hệ lụy đang và tiếp tục hiển hiện, bản báo cáo đầy màu hồng về dự án vẫn cứ được gửi lên cấp thẩm quyền. May sao, sau đó UBKT Trung ương vào cuộc rồi chỉ đích danh báo cáo ấy "không trung thực".

Đến nay, những "tác giả" của dự án đó đã và đang trả giá. Vấn đề đặt ra là cái giá ấy đủ làm gương, đánh động lương tri của những nhân vật luôn thốt ra lời có cánh (mà đôi khi không vì lợi ích của dân) tại những địa phương, lĩnh vực khác hay chưa thì hãy còn chờ ở những diễn tiến tiếp theo. Tuy nhiên, người viết tin rằng từ sự việc này, thói dối trá sẽ không còn ung dung trong não trạng của bất cứ ai manh nha ý định làm liều.

Ngọc Kỳ

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-9