Dự báo “nóng”: Đồng bạc xanh sẽ mất ngôi vương?

(NLĐO) - Xu hướng “phi đô-la hóa” tăng lên khi nhiều nước đang tìm kiếm đồng tiền thay thế USD cho giao dịch thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cho biết USD là đồng tiền được giao dịch kém nhất trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G10) trong tháng qua.

USD giảm hấp dẫn, nhân dân tệ sẽ soán ngôi?

Giới chuyên gia, trong đó có các nhà phân tích Phố Wall, ngày càng bàn luận nhiều hơn về xu hướng "phi đô-la hoá". Nhiều báo cáo dự báo về việc đồng USD đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn trong thương mại và dự trữ toàn cầu đã được công bố.

Dự báo “nóng”: Đồng bạc xanh sẽ mất ngôi vương? - Ảnh 1.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, chúng ta có thể chứng kiến đồng USD suy yếu hơn. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích cảnh báo thách thức mới đối với vị thế của đồng USD là việc Quốc hội Mỹ bế tắc về vấn đề trần nợ công trong khi các nhà lãnh đạo thế giới, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm bớt sự phụ thuộc vào USD. Ông Marvin Loh, chiến lược gia toàn cầu tại Công ty Tài chính State Street (Mỹ), cho biết các mô hình định giá của ngân hàng này cho thấy đồng bạc xanh vẫn còn quá đắt. "Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực sự hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất, chúng ta có thể chứng kiến đồng USD tiếp tục suy yếu cho đến cuối năm" - ông Loh nhận định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã cập nhật cơ sở dữ liệu về tỉ lệ nắm giữ ngoại hối trên thế giới. Theo đó, tỉ trọng đồng USD đã giảm xuống 58% vào cuối tháng 12-2022, mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Trong khi đó, các cuộc thảo luận về khả năng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ vượt qua đồng USD đã diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đồng nội tệ của Trung Quốc vẫn chưa được sử dụng đáng kể trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Tỉ trọng của nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng nhẹ kể từ khi được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bổ sung vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights) vào cuối năm 2016. Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ nhân dân tệ và mặc dù đồng tiền này đã được giao dịch ở thị trường nước ngoài nhưng các tổ chức tài chính vẫn không thể dễ dàng hoán đổi nó với các loại ngoại tệ khác. Giới phân tích cho biết đây là những trở ngại khiến nhân dân tệ chưa được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế.

Trước đó, đà tăng chóng mặt của USD vào năm ngoái đã củng cố lại suy đoán rằng sự thống trị của đồng bạc xanh đối với thương mại và tài chính quốc tế có thể đang thay đổi. Không ít chiến lược gia ngoại hối bày tỏ ngạc nhiên trước đợt tăng mạnh của đồng USD vào năm 2022, tương tự khi đồng tiền này đảo chiều đi xuống trong 6 tháng qua.

Bỏ qua những biến động tăng giảm thì USD vẫn là đồng tiền phổ biến nhất cho cả thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu, giúp củng cố vị thế là đồng tiền dự trữ quốc tế không thể tranh cãi. Dữ liệu gần đây của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới (SWIFT) cho thấy đồng USD được sử dụng cho hơn 40% giao dịch thương mại quốc tế, vượt đồng euro.

Lịch sử cũng chỉ ra rằng thường phải mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, để vị thế dự trữ toàn cầu của một đồng tiền mất dần. Một phân tích của Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ cho thấy đồng bạc xanh đã soán ngôi đồng tiền dự trữ toàn cầu là bảng Anh gần 100 năm trước, vào giữa những năm 1920.

Những mối liên kết đáng ngại

Dù vậy theo Bloomberg, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã bày tỏ lo ngại rằng ngày càng nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nga và Trung Đông, đang liên kết với nhau và giành ảnh hưởng toàn cầu. Ông Summers, giáo sư tại Trường ĐH Harvard, thừa nhận mối liên kết ngày càng sâu sắc giữa Trung Đông với Nga và Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Mỹ và "ngày càng có nhiều người chấp nhận sự phân mảnh".

Một số quốc gia đã bắt đầu giao dịch thương mại nước ngoài bằng đồng nội tệ của họ và đang trong tiến trình bán tháo đồng USD. Xu hướng "phi đô-la hoá" tăng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào ngày 24-2-2022. Ngay Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng thừa nhận các biện pháp trừng phạt tài chính Nga đã ảnh hưởng đến vai trò của đồng bạc xanh, thậm chí có thể làm suy yếu vị thế thống lĩnh của đồng tiền có tính thanh khoản cao nhất thế giới. Bởi lẽ, những biện pháp trừng phạt chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi có được sự hỗ trợ của các đồng minh. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt này lại thôi thúc Trung Quốc, Nga và Iran tìm kiếm giải pháp thay thế đồng USD.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào giữa tháng 4-2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) đưa ra giải pháp thay thế đồng USD trong giao dịch ngoại thương. Gần đây, Trung Quốc và Brazil đã đạt được thỏa thuận loại bỏ đồng USD để chuyển sang sử dụng đồng tiền của họ trong các giao dịch thương mại.

Dự báo “nóng”: Đồng bạc xanh sẽ mất ngôi vương? - Ảnh 4.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào ngày 14-4. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Iran và Ả Rập Saudi, 2 đối thủ sản xuất dầu lớn của Trung Đông. Chỉ riêng sự xích lại của Ả Rập Saudi và Iran đã cảnh báo "ngày tàn" đối với đồng USD bởi việc có thêm 2 nhà sản xuất dầu lớn ngoài Nga liên kết với nhau sẽ tăng khả năng một số loại dầu được định giá bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD.

Trong bối cảnh BRICS đang cân nhắc tạo ra một loại tiền tệ mới để tạo thuận lợi cho thương mại, ngay trong nội bộ Mỹ cũng xuất hiện nhiều cảnh báo cho rằng USD có thể sớm không còn là đồng tiền số một thế giới.

Hệ thống thanh toán riêng

Theo First Post, Malaysia đã đề xuất thành lập Quỹ tiền tệ châu Á để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh ý tưởng của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, đồng thời cam kết sẽ thảo luận thêm về vấn đề này.

Ấn Độ cũng đang tiếp cận thương mại xuyên biên giới theo hướng giao dịch bằng đồng rupee của mình. Tính đến nay, 18 quốc gia, bao gồm Anh, Malaysia, Đức, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được phép giao dịch bằng đồng rupee. Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini hồi tháng 2-2023 đã nhận định đồng rupee có thể trở thành một trong những đồng tiền dự trữ toàn cầu trong tương lai.

Dự báo “nóng”: Đồng bạc xanh sẽ mất ngôi vương? - Ảnh 5.

Người dân mua sắm ở Delhi - Ấn Độ ngày 21-4. Ảnh: Reuters

Ngày 17-4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nêu nhận định "một bản đồ toàn cầu mới" đang được vẽ ra khi một số quốc gia đang tìm đồng tiền thay thế trong thanh toán như nhân dân tệ hay rupee, còn một số khác thì tích trữ vàng hoặc thiết lập hệ thống thanh toán riêng.

Tuy nhiên, theo bà Lagarde, diễn biến này không có nghĩa đồng USD hay euro sắp mất thế thống trị. Đến nay, các số liệu chưa cho thấy sự thay đổi đáng kể nào trong việc sử dụng các loại tiền tệ trên toàn cầu. Dẫu vậy, Chủ tịch ECB cũng cảnh báo vị thế tiền tệ quốc tế không nên được xem là điều hiển nhiên.

Tỉ giá trung tâm cuối tuần này được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.634 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch ở mức 23.340 đồng/USD mua vào, 23.640 đồng/USD bán ra, giảm 20 đồng/USD so với trong tuần.