Dự báo “nóng”: Giá xăng dầu giảm hay “cú sốc tăng giá bổ sung”?

(NLĐO) - Giá xăng dầu ở Singapore - nơi Việt Nam chọn làm thị trường tham chiếu - giảm khá mạnh trong 10 ngày gần đây. Tuy vậy, thị trường toàn cầu vẫn lo lắng về “một cú sốc tăng giá bổ sung”.

Nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ xảy ra "cú sốc tăng giá bổ sung" trên thị trường dầu mỏ thế giới?

Dự báo “nóng”: Giá xăng dầu giảm hay “cú sốc tăng giá bổ sung”? - Ảnh 1.

Một công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ExxonMobil ở Port-Jerome-sur-Seine - Pháp. Ảnh: REUTERS

Tăng mạnh rồi giảm kéo dài

Trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng cùng diễn biến địa chính trị phức tạp, giá dầu đã tăng vọt lên hơn 120 USD/thùng hồi tháng 6-2022, sau đó giảm xuống dưới 90 USD/thùng trước động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+. 

Mặt hàng này tiếp tục biến động khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - trong tuần qua đã nhấn mạnh việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023 để cân bằng cung - cầu.

Trong khi đó, chính sách phòng dịch COVID-19 chặt chẽ của Trung Quốc khiến nhu cầu nhiên liệu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới không thể trở lại mức trước đại dịch. Theo đó, dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc trong quý IV/2022 chỉ còn 14 triệu thùng/ngày, giảm 1,2 triệu thùng/ngày và thấp hơn so với kỳ vọng trong tháng 10 và 11-2022 là 800.000 thùng/ngày. Cộng với lo ngại về kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga của Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7), Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) phải hạ dự báo giá dầu xuống 100 USD/thùng trong quý IV/2022.

Dự báo “nóng”: Giá xăng dầu giảm hay “cú sốc tăng giá bổ sung”? - Ảnh 2.

Tàu chở dầu tại cảng dầu thô Kozmino gần thành phố cảng Nakhodka - Nga. Ảnh: REUTERS

Cũng góp phần vào việc điều chỉnh hạ dự báo giá dầu của Ngân hàng Goldman Sachs là khối lượng sản xuất và xuất khẩu dầu từ Nga cao hơn dự kiến trước khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực vào đầu tháng 12 tới.

Nhà phân tích Tina Teng, Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh), nhận định ngoài nhu cầu suy yếu do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc, đà tăng giá của đồng USD cũng là yếu tố kéo giảm giá dầu. Chuyên gia này cho rằng niềm tin về đà hồi phục giá "vàng đen" trở nên mong manh khi số liệu kinh tế của các nước lớn gần đây đều cho thấy tín hiệu về một kịch bản suy thoái, đặc biệt là tại Anh và khu vực đồng euro.

Chạy đua tìm nguồn cung thay thế

Nhiều doanh nghiệp châu Âu đang gấp rút dự trữ dầu diesel trước khi lệnh cấm sản phẩm dầu từ Nga của Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2-2023 bởi lo ngại các nguồn thay thế còn hạn chế. Từ ngày 5-12, châu Âu sẽ cấm nhập hầu hết dầu thô Nga, tiến tới cấm vận hoạt động vận chuyển các sản phẩm từ dầu của Nga vào tháng 2-2023.

Dự báo “nóng”: Giá xăng dầu giảm hay “cú sốc tăng giá bổ sung”? - Ảnh 3.

Một nhân viên làm việc tại nhà máy thuộc Công ty Sản xuất dầu Gazprom Neft ở TP Omsk - Nga hôm 18-11. Ảnh: REUTERS

Bà Pamela Munger, Công ty Phân tích năng lượng Vortexa (Anh), cho hay từ ngày 1 đến 12-11, lượng dầu diesel của Nga được vận chuyển đến khu vực lưu trữ Amsterdam - Rotterdam -Antwerp (ARA) tăng 126% so với tháng 10, lên 215.000 thùng/ngày. 

Với rất ít lựa chọn thay thế tối ưu về mặt chi phí, dầu diesel từ Nga đã chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu đường bộ của châu Âu tính đến tháng 11, tăng khá mạnh so với tỉ lệ 39% trong tháng 10 vừa qua, theo dữ liệu của Refinitiv. 

Thực tế, mặc dù sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn nhiên liệu từ Nga đã giảm hơn 50% so với thời điểm trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 nhưng đất nước có diện tích lớn nhất thế giới vẫn là nhà cung cấp dầu diesel số 1 cho lục địa già.

Dự báo “nóng”: Giá xăng dầu giảm hay “cú sốc tăng giá bổ sung”? - Ảnh 4.

Nhà máy lọc dầu Los Angeles thuộc Công ty Marathon Oil ở Carson, bang California - Mỹ. Ảnh: Reuters

"Châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung khoảng 500.000 - 600.000 thùng/ngày để thay thế sản lượng dầu từ Nga. Nguồn thay thế sẽ đến từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ" - ông Eugene Lindell, chuyên gia phân tích thị trường sản phẩm và lọc dầu tại Công ty Tư vấn dầu khí FGE (Anh), dự đoán.

Trong khi đó, Hungary, Slovakia và CH Czech đã đàm phán tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm này với lý do không có nguồn thay thế dầu của Nga. Dễ hiểu bởi cả 3 nưóc này đều phụ thuộc lớn vào đường ống Druzhba vận chuyển dầu trực tiếp từ Nga.

Đáng chú ý, Reuters dẫn lời ông Stephen Innes, Công ty Dịch vụ quản lý tài chính SPI Asset Management, cảnh báo: "Rủi ro nghiêm trọng đối với chính sách áp giá trần dầu Nga là khả năng Nga trả đũa, điều này sẽ trở thành một cú sốc tăng giá bổ sung cho thị trường dầu".

Châu Á tăng mua dầu giá rẻ

Dữ liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu từ Nga đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay. Trong đó, lượng LNG vận chuyển từ Nga sang Trung Quốc trong 10 tháng qua tăng 32% so với năm ngoái, lên 4,98 triệu tấn. Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ 4 của Trung Quốc, sau Úc, Qatar và Malaysia. 

Còn lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống từ Nga trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng 182% so với cùng kỳ năm 2021, lên 3,1 tỉ USD. 

Trong khi đó, lượng dầu Nga được Trung Quốc nhập khẩu cũng tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ, lên 71,97 triệu tấn. Nga giữ vị trí là nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 Trung Quốc trong tháng 9 và 10 vừa qua, chỉ sau Ả Rập Saudi.

Dự báo “nóng”: Giá xăng dầu giảm hay “cú sốc tăng giá bổ sung”? - Ảnh 5.

Bể chứa dầu và đường ống dẫn dầu thô tại Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở Freeport, bang Texas - Mỹ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ cũng tăng mua dầu Nga nhân lúc giá mặt hàng này giảm do ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây. Sau cuộc gặp với người đồng cấp của Nga Sergei Lavrov đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu Nga vì "điều đó có lợi cho quốc gia".

Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này đang cân nhắc mua dầu từ Nga với mức giá hợp lý. Lãnh đạo Indonesia cho rằng chính phủ nước này có nhiệm vụ tìm những nguồn khác nhau để đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân.

Tại Singapore, thị trường tham chiếu của Việt Nam, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy giá các mặt hàng xăng dầu có xu hướng giảm rõ rệt. Ngày 24-11, giá xăng RON 92 tại Singapore là 89,2 USD/thùng, giảm sâu so với mức 97,26 USD/thùng vào trước đó 10 ngày. Giá xăng RON 95 cũng giảm từ 103,69 USD/thùng vào ngày 14-11 xuống 94 USD/thùng ngày 24-11. Trong 10 ngày này, giá dầu hỏa giảm từ 127,53 USD/thùng xuống 114,76 USD/thùng; dầu diesel giảm từ 132,09 USD/thùng xuống 117,23 USD/thùng.

So với ngày 21-11, tức thời điểm Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, giá xăng RON 92, xăng RON 95, dầu hỏa và dầu diesel ngày 24-11 ở thị trường Singapore giảm lần lượt 2,27 USD/thùng; 2,47 USD/thùng; 2,58 USD/thùng và 3,77 USD/thùng.

Trên thị trường thế giới, dầu thô Brent tuần qua mất giá 4,6% và dầu WTI giảm 4,7%, đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chạm mức thấp nhất trong 10 tháng tính theo tuần. Giá dầu thô sáng 26-11 về mức 76,55 USD/thùng và dầu Brent chỉ còn 83,63 USD/thùng.

Nếu đà giảm giá như trên tiếp tục kéo dài trong bối cảnh nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm và châu Âu dự kiến cấm nhập hầu hết dầu Nga từ ngày 5-12, dư địa giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước là khá lớn.

Nhóm chuyên gia gồm bà Vũ Thị Huyền Trang, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính và ông Nguyễn Viết Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, trong một nghiên cứu mới đây dẫn dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (OECD) cho thấy giá dầu bình quân năm 2023 khoảng 90-97 USD/thùng, giảm khá mạnh so với bình quân 100-110 USD/thùng trong năm 2022. Ngay từ thời điểm giữa năm 2022, giá dầu trong các hợp đồng kỳ hạn giao sau 4 tháng cũng thấp hơn giá dầu hợp đồng giao ngay khoảng 2-9 USD/thùng, cho thấy kỳ vọng giá dầu sẽ giảm trong dài hạn.

Đề xuất xây dựng kho năng lượng dự trữ

Theo các chuyên gia nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao hơn dự kiến và công suất dự phòng giảm, giá dầu có thể bị đẩy lên 115 USD/thùng vào năm sau, thậm chí chạm mốc 121,9 USD/thùng.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cảnh báo khủng hoảng năng lượng còn tiếp diễn trong ít nhất trung và ngắn hạn khiến giá năng lượng tiếp tục ở mức cao song song với nguồn cung năng lượng trên thị trường thế giới bị đứt gãy. Tại Việt Nam, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu xăng dầu và giá xăng dầu vẫn ở mức cao trong bối cảnh giá USD tăng cao khiến doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng.

Trong khi đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể quay lại mức kịch trần theo khung thuế từ ngày 1-1-2023 sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người dân, doanh nghiệp. "Không nên lạc quan sớm trước diễn biến giá dầu giảm trong ngắn hạn. Cần tiếp tục có những kịch bản ứng phó với giá dầu diễn biến khó lường và thường xuyên điều chỉnh phù hợp với thị trường" - TS Nguyễn Đình Cung lưu ý.

Trước bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao cũng như những xung đột địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, nhóm chuyên gia gồm bà Vũ Thị Huyền Trang và ông Nguyễn Viết Thắng kiến nghị cơ quan quản lý xây dựng các kịch bản đánh giá tác động và đề xuất điều chỉnh chính sách kịp thời.

Đồng thời, cần có kế hoạch và chiến lược dự trữ xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, xem xét mở rộng kho dự trữ và quy mô dự trữ để chủ động cung ứng trong các trường hợp cần thiết. "Có thể tham khảo kinh nghiệm xây dựng kho dự trữ năng lượng của Mỹ, Trung Quốc. Kho dự trữ của Trung Quốc có thể bảo đảm tối thiểu 100 ngày nhập khẩu, của Mỹ bảo đảm ít nhất 36 ngày tiêu thụ. Tất cả kho dự trữ này đều có vai trò bình ổn thị trường dầu trong bối cảnh có nhiều bất ổn" - nhóm chuyên gia gợi ý.