Dự báo “nóng”: Nhân dân tệ giảm giá - lợi hay hại?

(NLĐO) - Giảm giá mạnh từ đầu năm đến nay nhưng nhân dân tệ lại được ưa chuộng hơn. Vì sao? Kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ xu hướng giảm giá đồng nội tệ của nước láng giềng?

Chỉ số USD - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chính khác - có lúc vượt ngưỡng 113 điểm hôm 3-11 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm % lên phạm vi 3,75%-4%. Giá nhân dân tệ (Trung Quốc) so với giá đồng bạc xanh của Mỹ hiện được giao dịch ở mức thấp nhất 15 năm và đang trên đà ghi nhận một năm mất giá mạnh nhất kể từ 1994.

Xuất khẩu bằng nhân dân tệ tăng mạnh

Một tín hiệu đáng lưu tâm là trong bối cảnh USD tăng giá, đồng nghĩa nhân dân tệ giảm giá, kim ngạch thương mại của Trung Quốc được giao dịch bằng nhân dân tệ đã gia tăng.

Theo dữ liệu từ Công ty Bảo hiểm quốc tế Allianz Trade (Pháp), 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại của Trung Quốc được giao dịch bằng nhân dân tệ đã tăng từ dưới 20% lên gần 30%. Diễn biến này cho thấy xu hướng quốc tế hóa của đồng tiền này sẽ tiếp tục tăng.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường tỉ lệ giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ trên toàn cầu. Việc quốc tế hóa nhân dân tệ trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Mỹ đe dọa cô lập tài chính Trung Quốc cùng diễn biến giữa phương Tây và Nga gần đây.

Dự báo “nóng”: Nhân dân tệ giảm giá - lợi hay hại? - Ảnh 1.

Các container hàng hóa của các công ty Trung Quốc chuẩn bị rời cảng ở Hamburg - Đức. Ảnh: REUTERS

Ông Raymond Yeung, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand, cho rằng các công ty thương mại tăng cường sử dụng nhân dân tệ bởi nhiều lý do, trong đó có lý do liên quan đến dự đoán về tỉ giá hối đoái trong tương lai. "Các công ty sẽ đưa ra quyết định dựa trên biện pháp phòng ngừa rủi ro. Loại tiền tệ mà họ sử dụng ảnh hưởng đến chi phí tổng thể, vì vậy nó gắn liền với tỉ giá hối đoái và lãi suất" - ông Yeung lý giải.

Nhà kinh tế học tại Ngân hàng Standard Chartered (Anh), ông Kelvin Lau, nhận định sự gia tăng giao dịch bằng nhân dân tệ xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các đồng tiền quốc tế trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng xung quanh một số vấn đề công nghệ và tình hình địa chính trị ở Ukraine.

Theo ông Michael Pettis, Viện Nghiên cứu chính sách Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, tỉ lệ giao dịch thương mại bằng nhân dân tệ có xu hướng tăng lên bởi các nhà đầu tư kỳ vọng đồng tiền này tăng giá. Ngược lại, tỉ lệ giao dịch có xu hướng giảm nếu các nhà đầu tư nhận định đồng tiền sẽ trượt giá.

Trước đó, theo tờ SCMP, Trung Quốc kết thúc năm 2020 với hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ khi ước tính nước này xuất khẩu trung bình 40 chiếc khẩu trang cho mỗi người trên khắp thế giới. Quốc gia này cũng có hoạt động thương mại tích cực trong năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi. "Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc kể từ năm 2020 là yếu tố góp phần vào việc gia tăng giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ. Trung Quốc được nhận định là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng ngành điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh, máy tính và là nơi cung cấp nhiều sản phẩm liên quan tới dịch COVID-19 trong 2 năm qua" - ông Raymond Yeung lập luận.

Lý do nhân dân tệ được ưa chuộng

Theo Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng (SWIFT), trong tháng 9-2022, các khoản giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ chiếm tới 28% tổng số lượng giao dịch, cao hơn mức 25% vào cùng kỳ năm ngoái.

Ông Stephen Olson, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề thương mại, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thúc đẩy giao dịch quốc tế bằng đồng nhân dân tệ.

Chuyên gia Yao Li, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc), nhận định xu hướng chia rẽ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ dẫn đến sự xuất hiện của nhiều khối thương mại hơn. Những khối này sẽ sử dụng tiền tệ và phương thức thanh toán của riêng họ.

Dự báo “nóng”: Nhân dân tệ giảm giá - lợi hay hại? - Ảnh 2.

Theo ông Ludovic Subran, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Công ty Bảo hiểm quốc tế Allianz Trade, các tổ chức tài chính tại Trung Quốc sẽ có xu hướng chuyển giao dịch sang ngân hàng và tổ chức tài chính tại Hồng Kông (Trung Quốc) để tránh rủi ro. Còn ông Raymond Yeung nhận định về lâu dài, xu hướng giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng nếu Hồng Kông (Trung Quốc) giữ được vai trò trung tâm tài chính của mình.

Dữ liệu từ SWIFT cho thấy tính đến tháng 9 năm nay, các khoản giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ ở Hồng Kông chiếm 72%, duy trì ở mức hơn 70% như những năm gần đây.

Lo dòng vốn tháo chạy

Trong khi các quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn giá cả tăng cao, Trung Quốc thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng để thúc đẩy tăng trưởng. Điều đó làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi công xưởng lớn của thế giới.

Nhân dân tệ đã suy yếu khoảng 13% so với đồng USD trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Yi Gang, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), đồng tiền này tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác và giữ giá trị ổn định.

Với chính sách "zero COVID" dự kiến sẽ được duy trì ít nhất trong mùa đông năm nay hoặc lâu hơn, triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của Trung Quốc dường như khá ảm đạm. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, nỗi lo về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu lại đang nổi lên.

Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) nhận định Trung Quốc sẽ duy trì chiến lược "zero COVID" ít nhất đến tháng 3-2023. Sau khi nước này ghi nhận tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức cao đáng ngạc nhiên là 3,9% trong quý III/2022, kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ giảm trở lại với tăng trưởng bằng 0 hoặc thậm chí âm so với quý trước.

Công ty tài chính Barclays (Anh) hôm 2-11 cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm tới xuống 3,8%, một phần dựa vào ước tính về sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc trên toàn cầu và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm.

Kinh tế phát triển bất chấp thách thức

Trong bài phát biểu trực tuyến hôm 2-11 tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu diễn ra ở Hồng Kông (Trung Quốc), nhiều quan chức cấp cao từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), các cơ quan quản lý chứng khoán và ngân hàng đều bảo đảm sẽ duy trì ổn định thị trường tiền tệ và bất động sản. Đồng thời, cam kết thực hiện một chiến lược kinh tế ủng hộ tăng trưởng.

Dự báo “nóng”: Nhân dân tệ giảm giá - lợi hay hại? - Ảnh 4.

Người dân qua lại trước cửa hàng thời trang cao cấp trong một khu mua sắm ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 10-2022. Ảnh: REUTERS

Ông Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cho rằng chính sách mở cửa của Trung Quốc có "nền tảng vững chắc" vì nó mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Ông Yi Gang, Thống đốc PBOC, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không can thiệp thị trường nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong khi cải cách và chính sách mở cửa sẽ tiếp tục được thực hiện.

Theo Thống đốc PBOC, nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn đang trên đà phát triển bất chấp một số thách thức và áp lực. Ông Yi Gang kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế số 2 thế giới sẽ duy trì trong mức hợp lý bởi Trung Quốc quy mô thị trường "siêu lớn" cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng song song với tiến trình đổi mới công nghệ và mạng lưới cơ sở hạ tầng chất lượng cao được thực hiện.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Việt Nam hưởng lợi trong giao thương với Trung Quốc

Tính từ đầu năm đến nay, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 20% so với đồng USD, từ 6,4 nhân dân tệ đổi 1 USD hồi đầu năm giảm xuống 7,4 nhân dân tệ đổi 1 USD hiện nay. Trong khi đó, mức độ trượt giá của VNĐ so với USD thấp hơn.

So với nhân dân tệ, đồng tiền của Việt Nam đã tăng giá từ quanh mức 3.563 đồng đổi 1 nhân dân tệ vào đầu năm lên quanh mức 3.448 đồng đổi 1 nhân dân tệ hiện tại.

Diễn biến tỉ giá như trên giúp Việt Nam được hưởng lợi khi nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, ngược lại, gặp bất lợi trong xuất khẩu sang nước láng giềng bởi giá đồng nhân dân tệ rẻ đi. Tuy nhiên, xét về tổng thể, do Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nên nhìn chung được lợi trong hoạt động giao thương.

Liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, cơ hội với Việt Nam gia tăng nhờ VNĐ đang hấp dẫn hơn nhân dân tệ. Trong 2 năm qua, đã có dấu hiệu nhà đầu tư lớn của Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam với lợi thế về sự ổn định của đồng tiền và kinh tế - chính trị. Song, đó không phải là sự chuyển dịch ồ ạt. Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong thu hút dòng vốn ngoại bởi nước láng giềng này có quy mô thị trường lớn và trình độ khoa học - kỹ thuật đã tiến xa.

Phương Nhung ghi