Dự báo “nóng”: Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài hay đang phụ thuộc?

(NLĐO) - Tờ Die Presse (Áo) hôm 13-4 có bài viết đánh giá Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các công ty nước ngoài. Trong khi đó, GS Trần Văn Thọ cho rằng phải phát huy nội lực, giảm phụ thuộc vào vốn ngoại.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các nước kém phát triển nhất trong khu vực ASEAN, gồm Campuchia, Lào và Myanmar, đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua. Việt Nam có khả năng thu hút FDI ổn định hơn dù dòng vốn ngoại trong 3 tháng đầu năm nay có phần giảm sút.

Việt Nam ngày càng hấp dẫn

Báo cáo hồi cuối tháng 3-2023 về FDI và thuận lợi hóa đầu tư ở các nước kém phát triển nhất ASEAN của Liên Hiệp Quốc cho thấy dòng vốn FDI trung bình hằng năm trong giai đoạn 2011-2020 của nhóm các nước kém phát triển nhất ASEAN đã tăng 2-5 lần so với giai đoạn 2001-2010. Triển vọng thu hút FDI tại những nước này đầy hứa hẹn bởi các cơ hội đầu tư được cải thiện và ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) đa quốc gia chuyển hoạt động sang đây.

Các nhà phân tích thuộc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển nhận xét trong vài năm qua, các quốc gia thành viên ASEAN không ngừng tăng cường thu hút và duy trì dòng vốn FDI. Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Savinder Singh cho hay các nước ASEAN đang đẩy mạnh nỗ lực này thông qua phê duyệt Khung Thuận lợi hóa đầu tư ASEAN vào năm 2021, thể hiện cam kết liên tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Các nước ASEAN cũng đang tích cực sử dụng công nghệ số để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận thông tin và hỗ trợ nộp hồ sơ đầu tư trực tuyến.

Dự báo “nóng”: Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài hay phụ thuộc quá lớn? - Ảnh 1.

Việt Nam cần nhiều giải pháp để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Minh Phong

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát được Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hôm 11-4, chỉ số đo lường tâm lý kinh doanh của cộng đồng nhà đầu tư và DN châu Âu tại Việt Nam giữ mức ổn định 48,0 điểm trong quý đầu năm 2023. Mặc dù chỉ số này giữ nguyên so với cuối năm 2022 nhưng có những dấu hiệu hứa hẹn sự thay đổi tích cực trong triển vọng kinh tế của cộng đồng DN châu Âu.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng nhìn chung, cộng đồng DN và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam. Báo cáo ghi nhận Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong mắt lãnh đạo DN châu Âu. Cụ thể, hơn 3% các nhà lãnh đạo tham gia khảo sát cho rằng Việt Nam là một trong ba trọng điểm đầu tư của họ trên toàn thế giới; 36% xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong tốp 3 hoặc tốp 5 điểm đến đầu tư hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, Hà Lan, Pháp, Luxembourg và Đức là những nhà đầu tư hàng đầu của châu Âu tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỉ USD.

Tờ Die Presse (Áo) hôm 13-4 có bài viết đánh giá những điều kiện thuận lợi tại Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các công ty nước ngoài. Theo Die Presse, Việt Nam là đầu tàu tăng trưởng của khu vực kể từ đầu thiên niên kỷ này khi luôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6,2%, một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất châu Á. Nhờ tăng trưởng vững chắc, tham gia các hiệp định thương mại cùng các điều kiện đầu tư thuận lợi, Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn DN nước ngoài muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Nội lực rất lớn nhưng...

Dù các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao sức hấp dẫn của Việt Nam song nhìn từ góc độ trong nước, Việt Nam dường như đang phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài.

GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda - Nhật Bản, trong buổi nói chuyện với các DN trong Câu lạc bộ DN dẫn đầu LBC về chủ đề "Kinh tế Việt Nam trước những biến động của thế giới" mới đây, đã chỉ rõ DN FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp, 70% giá trị xuất khẩu.

Dù Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm sang gần 200 quốc gia nhưng tỉ trọng lớn kim ngạch xuất nhập khẩu tập trung vào 3 thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 30% kim ngạch sang Mỹ; nhập khẩu hơn 30% kim ngạch từ Trung Quốc và 20% kim ngạch từ Hàn Quốc.

Hội nhập rộng nhưng lại nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc là hệ quả của công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu.

"Công nghiệp hỗ trợ không phát triển được bao nhiêu và phụ thuộc vào nước ngoài, dù nội lực của nền kinh tế là không nhỏ. Tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam đã có những bước phát triển nhưng chưa "thâm sâu", thể hiện ở việc vẫn phải nhập quá nhiều linh kiện, sản phẩm bán chế, trung gian, lắp rắp... Phải làm sao phát huy nội lực trong khi vẫn tiếp tục thu hút FDI có chọn lọc với những dự án, lĩnh vực bổ sung cho nền kinh tế chuyển dịch lên mức cao?" - GS Trần Văn Thọ đặt vấn đề.

GS Trần Văn Thọ kể khi đi khảo sát về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, ông thấy các DN FDI cũng rất muốn DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng để tăng tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

Tuy vậy, theo số liệu của Bộ Công Thương, nền kinh tế Việt Nam thời điểm năm 2018 có khoảng 110.000 DN hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp nhưng chỉ có gần 5.000 DN làm công nghiệp hỗ trợ. Riêng trong lĩnh vực điện tử, khoảng 400/500 DN công nghiệp hỗ trợ là DN FDI.

"Tại sao Việt Nam tham gia vào chuỗi quá ít như vậy, trong khi DN bản xứ của Thái Lan, Indonesia tham gia rất tốt? Chúng ta phụ thuộc vào FDI nhiều quá! Do đó, trong giai đoạn tới, cần chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa thật mạnh, thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Các DN cần nỗ lực tham gia ở các bậc cao trên chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng" - GS Trần Văn Thọ lưu ý.

Dự báo “nóng”: Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài hay phụ thuộc quá lớn? - Ảnh 3.

GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda - Nhật Bản, trong buổi nói chuyện với các DN trong Câu lạc bộ DN dẫn đầu LBC về chủ đề "Kinh tế Việt Nam trước những biến động của thế giới" ngày 14-4. Ảnh: Thái Phương

Cũng theo GS Trần Văn Thọ, đi sâu vào phân tích đặc tính của cơ cấu phát triển hiện nay sẽ thấy nhiều dư địa từ chính sách có thể hỗ trợ tăng trưởng nhanh. Trong đó, phát huy nội lực, giảm phụ thuộc nhiều vào vốn FDI, thu hút vốn ngoại có chọn lọc nhằm tránh tình trạng các địa phương "tranh" thu hút FDI... cũng là hướng phát triển cần có.

Cần tăng trưởng 10%/năm trong 10 năm

Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng chưa phát huy hết. Là một đất nước đặc biệt với dân số rất đông nhưng đồng nhất về ngôn ngữ, văn hóa, ít hoặc không có mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc, Việt Nam có lợi thế để trở thành một cường quốc hạng trung.

GS Trần Văn Thọ chỉ rõ Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới và khu vực, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu tương đương tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu bằng khoảng 200% GDP. Với mức độ hội nhập rất cao, Việt Nam chịu tác động mạnh từ sự thay đổi đột ngột của kinh tế thế giới. Chẳng hạn, bối cảnh xuất khẩu không có nhiều đơn hàng như hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Trước tình hình thế giới có nhiều biến động với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xung đột Nga - Ukraine..., nhiều nước đã có những thay đổi. Việt Nam cũng cần tính đến phương án thay đổi để theo kịp các nước trong khu vực, chẳng hạn vượt được Indonesia và Philippines về năng suất lao động, tiến gần tới Thái Lan.

Chất lượng lao động của Việt Nam là cơ cấu 2 tầng. Giới trẻ có học ở Việt Nam giỏi hơn cả những nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số năng lực về toán, khoa học của giới trẻ Việt cao hơn Thái Lan, Indonesia, Philippines và gần bằng Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhiều bạn trẻ giỏi về công nghệ thông tin. Nhưng ở tầng còn lại, có tới 61% lao động có học vấn 9 năm trở xuống, chỉ có 24% lao động có kỹ năng chuyên môn. Cần cải thiện bức tranh lao động theo hướng đầu tư thêm vào giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

GS Trần Văn Thọ đặc biệt lưu ý Việt Nam phải tạo ra một giai đoạn phát triển cao, ngoạn mục thì mới thay đổi nhanh vị trí của đất nước trên vũ đài thế giới cũng như gia tăng sức mạnh trong một thế giới bất ổn. Cụ thể, cần phải có giai đoạn phát triển đột phá với tăng trưởng GDP khoảng 10%/năm trong khoảng 10 năm như Hàn Quốc, Nhật Bản từng đạt được.

Nông nghiệp phải là chủ lực

Trong chiến lược phát triển, cũng cần lưu ý Việt Nam là nước giàu tài nguyên nông nghiệp với gần 35% lao động là nông dân nhưng chúng ta còn nhập siêu nông phẩm, thực phẩm. Dẫn số liệu của FAOSTAT cho thấy năm 2020, Việt Nam xuất 18 tỉ USD giá trị nông, lương thực nhưng lại nhập tới 22 tỉ USD, GS Trần Văn Thọ nhấn mạnh phải thay đổi theo hướng sản xuất nông nghiệp cung cấp chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu.