Tìm lời giải cho động lực tăng trưởng cuối năm 2023

(NLĐO) - Rủi ro, thách thức nhiều hơn cơ hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của Việt Nam là bao nhiêu?

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%, chỉ cao hơn tốc độ 2,19% và 1,57% vào cùng kỳ các năm 2020, 2021. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đều khó khăn, nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay.

Những con số đáng chú ý

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phân tích với tăng trưởng 9 tháng đạt 4,24%, để thực hiện mục tiêu ban đầu là tăng trưởng cả năm 6,5% thì tăng trưởng quý IV phải đạt khoảng 12%. 

Nhìn vào các động lực tăng trưởng trụ cột của nền kinh tế, có thể thấy mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là không thể thực hiện. Cụ thể, để tăng trưởng kinh tế đạt 6%-7%, tăng trưởng xuất khẩu phải đạt hơn 10% và tăng trưởng sản xuất công nghiệp khoảng 8%-9%. Trong khi đó, xuất khẩu 9 tháng ghi nhận mức giảm 8,2% so với cùng kỳ; còn sản xuất công nghiệp mới tăng 1,65%.

Dựa trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng năm 2023. Theo đó, kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm 5%, kịch bản 2 đưa ra mức tăng trưởng 5,5% và kịch bản 3 là 6%.

Tìm lời giải cho động lực tăng trưởng cuối năm 2023 - Ảnh 1.

Cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và toàn cầu trong bối cảnh khó khăn tiếp diễn. Đồ họa: CHI PHAN

TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo lĩnh vực nông - lâm - thủy sản có thể đóng góp 0,5-0,6 điểm % vào tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam. Đóng góp của lĩnh vực khai khoáng khoảng 0,14 điểm %; công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 1,2-1,6 điểm %; xây dựng 0,35 điểm %; dịch vụ dự kiến đóng góp 2,1-2,4 điểm %.

Những thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn khi nhu cầu hàng hóa thế giới suy giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm. Trong đó, thị trường Mỹ sụt giảm 16,8%; EU giảm 8,2%; ASEAN giảm 5,5%...

Tổng hợp lại, theo nhóm nghiên cứu, tăng trưởng GDP năm 2023 theo kịch bản tích cực là 5,5%-6%; kịch bản cơ sở là 5,2%-5,5% và kịch bản không tích cực khi kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn là 4,4%-4,5%. 

Đến năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6% và tăng lên 6,5% vào năm 2025.

Tận dụng điểm sáng

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2023 tuy có cải thiện nhưng vẫn chậm nên khó có thể bứt phá trong quý IV. Dẫu vậy, vẫn có một số động lực có thể thúc đẩy. 

Điểm sáng của nền kinh tế nằm ở chỗ hầu hết ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng. Trong đó, lĩnh vực du lịch tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái dù xu hướng đang giảm dần. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi từ tháng 5-2023 và bắt đầu có tăng trưởng dương từ quý IV.

Tìm lời giải cho động lực tăng trưởng cuối năm 2023 - Ảnh 3.

Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng năm 2023 theo sản phẩm chủ yếu

Tìm lời giải cho động lực tăng trưởng cuối năm 2023 - Ảnh 4.

Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 tăng nhưng không đột biến như năm 2022 và đang có xu hướng giảm

Về đầu tư, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cũng có những dấu hiệu tích cực nhất định với tỉ trọng lớn vẫn thuộc về đầu tư tư nhân. Trước đây, đầu tư tư nhân luôn tăng trưởng cao nhất với tốc độ 12%-13%/năm, đầu tư nước ngoài tăng trưởng 7%-8%/năm và tốc độ tăng trưởng của đầu tư nhà nước chậm hơn, khoảng 3%-5%/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng đầu tư nhà nước, đầu tư công từ ngân sách nhà nước đã tăng, dù tốc độ giải ngân chưa đạt kỳ vọng. 

TS Cấn Văn Lực nhìn nhận thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu, tiếp tục tác động không tích cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch cũng như thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam. "Dẫu vậy, điểm tích cực là đà phục hồi khá rõ nét, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và triển vọng năm 2024 dự báo sẽ khả quan hơn" - TS Cấn Văn Lực lạc quan. 

TS Cấn Văn Lực kiến nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 - 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia. Song song đó là quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng...

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống bên cạnh khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng mới. Trong những động lực truyền thống, đầu tư công là một trụ cột. Theo tính toán, nếu giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công thì đầu tư nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023.

Tìm lời giải cho động lực tăng trưởng cuối năm 2023 - Ảnh 5.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 vượt 51% là tín hiệu tốt. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ở góc nhìn cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh chưa năm nào giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt 50%. Trong khi đó, giải ngân vốn công 9 tháng năm nay vượt 51%. "Năm 2023 không giống các năm khác. Năm nay dự liệu vốn rất lớn mà giải ngân đạt tỉ lệ cao như vậy là điều rất tốt. Số tiền tuyệt đối giải ngân cao hơn năm ngoái hơn 110.000 tỉ đồng - con số rất lớn" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Về kích cầu tiêu dùng nội địa, theo tính toán của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %. Cần quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các trung tâm lớn, nhất là TP HCM và Hà Nội - hai địa phương đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao, thúc đẩy liên kết vùng.

Tìm động lực mới

Dù thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm khó khăn song TS Nguyễn Đình Cung cho rằng có những yếu tố thuận lợi mới đối với nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chẳng hạn, sự kiện Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra kỳ vọng tăng sức cầu bên ngoài. Trong quá khứ, những cột mốc phát triển quan hệ hai nước đều đem lại dấu ấn tích cực. Điển hình là Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) ký kết vào năm 2000 mở ra giai đoạn mới trong hoạt động giao thương, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này.

Tìm lời giải cho động lực tăng trưởng cuối năm 2023 - Ảnh 6.
Sự kiện Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mở ra nhiều kỳ vọng tăng sức cầu bên ngoài. Trong ảnh: Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Vấn đề là doanh nghiệp đã, đang chuẩn bị gì để đón làn sóng đầu tư mới từ Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, nhất là chip bán dẫn; chuẩn bị nguồn nhân lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ ra sao? Việc này đòi hỏi doanh nghiệp có tầm nhìn, cùng với đó là cần nhà nước hỗ trợ chính sách nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ" - TS Nguyễn Đình Cung nói.

Theo TS Cấn Văn Lực, việc phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới là hết sức quan trọng, bao gồm động lực từ phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), phát triển mạnh hơn khu vực tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng trưởng xanh...

Kinh tế thế giới đang trong "một thập niên mất mát". Với nền kinh tế có độ mở cao nhưng thực lực chưa mạnh, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để ứng phó, bao gồm củng cố những năng lực - động lực hiện có và quan trọng hơn là phát triển năng lực - động lực mới.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu dự báo kinh tế thế giới đang trong "một thập niên mất mát". Nhấn mạnh dự báo này dựa trên nhiều căn cứ đáng tin cậy bao gồm xung đột giữa các nước, hậu quả trầm trọng của đại dịch COVID-19, tình trạng đứt chuỗi và vỡ cấu trúc..., ông Trần Đình Thiên nhận định Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. 

"Với nền kinh tế có độ mở cao nhưng thực lực chưa mạnh, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để ứng phó, bao gồm củng cố những năng lực - động lực hiện có và quan trọng không kém, thực ra là ngày càng quan trọng hơn, là phát triển những năng lực - động lực mới. Một trong những tuyến năng lực mà Việt Nam đang có lợi thế là sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ" - PGS-TS Trần Đình Thiên gợi ý. 

Tìm lời giải cho động lực tăng trưởng cuối năm 2023 - Ảnh 8.

Đến hết tháng 8-2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,5%, cách rất xa mục tiêu cả năm là 14%, cho thấy nền kinh tế không hấp thụ được vốn

Theo phân tích của nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nước ta đang có những điều kiện tự thân khá tốt kết hợp với bối cảnh quốc tế để tạo ra "những lực xô đẩy" thuận chiều, qua đó duy trì và gia tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề còn lại là thu hút và định hướng sử dụng vốn ngoại thế nào để đạt mục tiêu "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Trong đó, đặc biệt chú ý bảo đảm một số lợi ích chiến lược như lan tỏa phát triển ra khu vực bản địa, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ và năng lực cạnh tranh của khu vực nội... 

Lưu ý giai đoạn phát triển mới đang mở ra cơ hội mới và lớn khác thường cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, PGS-TS Trần Đình Thiên nêu mấu chốt là cần xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, quản trị thông minh cùng với những điều kiện nền tảng đồng bộ, gồm hạ tầng kết nối - nguồn nhân lực chất lượng cao - lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ mạnh, để kết nối chuỗi.

"Cần tiếp cận thị trường theo hướng hiện đại, giảm "xin - cho". Ưu tiên cao độ cho sự phát triển các thị trường đầu vào trọng điểm, đặc biệt là thị trường đất đai, thị trường lao động và thị trường sở hữu trí tuệ - bước chuẩn bị quan trọng cho tương lai. Bên cạnh đó, cần phát triển có hệ thống và đồng bộ các thị trường tài chính gồm tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu; từng bước mở và nối thông với các thị trường tài chính quốc tế" - PGS-TS Trần Đình Thiên lưu ý thêm.

"Xốc lại" tinh thần của doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ việc suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bằng cách khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Quan trọng không kém là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời vướng mắc về quy định phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện, đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy...