Đề xuất chuyển đổi công năng Khu Công nghiệp Biên Hòa 2

Khu Công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 vừa được đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng chuyển đổi công năng sau năm 2045.

Hiện nay, TP Biên Hòa là đô thị loại I nhưng còn thiếu rất nhiều không gian dành cho các hoạt động cộng đồng như: quảng trường, mảng xanh; các hạ tầng xã hội thiết yếu khác. Mục tiêu của thành phố là sẽ chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc "đô thị công nghiệp" sang mô hình cấu trúc "đô thị dịch vụ và công nghiệp", hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Từ thực tế trên, trong báo cáo dự thảo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn đã đề xuất ý tưởng chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 2 (gần 400 ha).

Theo đơn vị tư vấn, với lộ trình chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 2, dựa vào quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh, đơn vị đề xuất đến năm 2030, KCN Biên Hòa 2 sẽ giữ nguyên quy mô diện tích, đồng thời duy trì hoạt động đến năm 2045. Đến hết năm 2045, khi hết thời hạn thuê đất (50 năm) sẽ thực hiện thu hồi để chuyển đổi công năng.

Đề xuất chuyển đổi công năng Khu Công nghiệp Biên Hòa 2- Ảnh 1.

Khu Công nghiệp Biên Hòa 2 sẽ chuyển đổi công năng sau năm 2045

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết sở thống nhất với đề xuất chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 2 của đơn vị tư vấn. Điều này nhằm bảo đảm định hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng cho đô thị Biên Hòa.

Theo đơn vị tư vấn, dự báo sau năm 2045, TP Biên Hòa sẽ có dân số khoảng 2 triệu người. Vì vậy, không gian công cộng, thương mại - dịch vụ, vui chơi - giải trí phải xứng tầm với khu vực trung tâm của một đô thị lớn.

Khi hết niên hạn hoạt động, KCN Biên Hòa 2 sẽ tạo quỹ đất quý giá, đáp ứng nhu cầu mới ở trung tâm thành phố. Nơi đây có thể phát triển các công năng như: Công viên trung tâm quy mô lớn gắn với công trình công cộng, thương mại - dịch vụ, văn phòng, vui chơi - giải trí, khu phát triển kinh tế tri thức, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao.

Đơn vị tư vấn đề xuất phát triển nhà ở với hệ số sử dụng đất cao, mật độ thấp, tỉ lệ cây xanh cao, gắn với công trình giao thông công cộng theo mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Từ đó, hướng đến trở thành khu công năng có vai trò cấp vùng.