Bánh khọt Vũng Tàu

Bánh khọt là món ăn dân dã, phổ biến ở miền Nam và miền Trung với tên gọi bánh căn. Riêng ở Vũng Tàu, bánh khọt mang đậm đặc trưng địa phương. Bánh khọt Vũng Tàu ngon nhất là quán Gốc Vú Sữa...

img
Bánh khọt Vũng Tàu.

Quán ăn độc một món này rất nổi tiếng. Ban đầu, quán chỉ có quy mô nhỏ, dưới gốc cây vú sữa, không biển hiệu nên thực khách gọi là bánh khọt Gốc Vú Sữa cho dễ nhớ. Còn hiện nay quán đã mở rộng, có thể phục vụ cả trăm khách cùng lúc. Do nổi tiếng nên bánh khọt Gốc Vú Sữa bị nhiều quán khác “nhái” thương hiệu. Quán phải ghi dòng chữ “không có chi nhánh” trên biển hiệu để “cảnh báo” thực khách.
 
Khác với bánh khọt miền Nam và bánh căn miền Trung, bánh khọt Vũng Tàu được chế biến theo kiểu riêng. Nhân bánh gồm có tôm, mực và ruốc xay nhuyễn. Bánh được làm từ bột gạo rất giòn. Bánh khọt Vũng Tàu được ăn kèm với rau sống. Đặc biệt, có đu đủ thái sợi, ngâm giấm ăn kèm nên dù bánh chiên nhiều dầu mỡ, khách vẫn không bị ngán mà càng ăn càng thấy ghiền.
 
Cách chế biến bánh khọt ở hầu hết các quán đều như nhau nhưng thực khách thường chỉ nhắc đến Gốc Vú Sữa. Quán bán từ bảy giờ sáng nhưng từ sáu giờ rưỡi, khách đã đến ngồi “xí chỗ”. Nhiều người tắm biển sáng xong, đến quán ăn bánh khọt rồi mới về nhà. Quán đông, khách phải chờ lâu nên bánh khọt Gốc Vú Sữa còn được gọi vui là bánh khọt “mầm đá”. Chờ lâu, nên khi đến lượt ai cũng muốn ăn cho đã, cho “bõ công”.